Châm ngòi bạo lực

Vụ tấn công ở Jerusalem hôm 18-11 đánh dấu sự leo thang căng thẳng mới nhất giữa Israel và Palestine trong vài tuần qua. Diễn biến bạo lực này khiến giới quan sát không khỏi quan ngại những mâu thuẫn về tôn giáo có thể làm nổ ra một cuộc chiến lớn trong khu vực.

Đầu tuần rồi, cảnh sát Israel cho biết một tài xế xe buýt người Palestine được tìm thấy trong tư thế treo cổ trên chiếc xe buýt của Israel. Phía Palestine đã cáo buộc nhóm Do Thái cực đoan giết hại người đàn ông Palestine 32 tuổi này. Vụ việc trên xảy ra 1 ngày sau khi một người Palestine đâm một người Israel ở Đông Jerusalem... Tất cả những vụ bạo lực trên nối tiếp cuộc đụng độ mới nhất giữa tín đồ Hồi giáo người Palestine và lực lượng cảnh sát Israel gần đền thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Đông Jerusalem nhằm phản đối Israel đóng cửa các đền thờ Hồi giáo và cho phép người Do Thái bước chân vào các đền thờ này.

Tân Hoa Xã dẫn lời Mahmoud al-Habbash, cố vấn về vấn đề tôn giáo của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nhận định nếu Israel tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với người Palestine, không cho họ cầu nguyện ở al-Aqsa, căng thẳng sẽ khó có thể lắng dịu tại Jerusalem. Rất nhiều người Palestine cho rằng các cuộc tấn công vào Israel là phản ứng dành cho các chính sách cực đoan của Israel đang thực thi đối với người Hồi giáo Palestine.

Hassan Abdo, một nhà phân tích chính trị ở Dải Gaza, cho biết những gì đang xảy ra ở Bờ Tây, ở Jerusalem và Palestine nói chung là phản ứng tự nhiên do các cá nhân thực hiện chứ không hề được tổ chức. Điều này rất nguy hiểm bởi nó cho thấy những chính sách phân biệt tôn giáo, chủng tộc của Israel có thể kéo toàn bộ khu vực vào một chu kỳ bạo lực mới.

Muhanad Abdul Hamid, một chuyên gia chính trị từ Bờ Tây, chia sẻ quan điểm với ông Abdo và cho rằng áp lực gia tăng và căng thẳng leo thang chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc đối đầu thực sự, đặc biệt trong bối cảnh người Palestine không có gì để mất khi mà tiến trình hòa đàm ở Trung Đông vẫn bế tắc, không có lối thoát. Chuyên gia Abdo còn cho biết chính sách cực đoan về tôn giáo mà Israel đang thực hiện xuất phát từ động cơ chính trị đó là phe cánh hữu ở Israel muốn đảm bảo một chiến thắng áp đảo ở các cuộc bầu cử sắp tới ở Israel, kéo dài sự hiện diện của cánh hữu trong Chính phủ Israel.

Bản thân Tổng thống Abbas và các quan chức trong chính quyền Palestine đã nhiều lần cảnh báo rằng những gì đang diễn ra xuất phát từ chính sách của Israel ở Jerusalem, trong đó có việc tìm cách đóng cửa đền thờ Hồi giáo al-Aqsa, sẽ chỉ mang lại một cuộc chiến tranh tôn giáo thực sự cho khu vực.

Phía Palestine đã cáo buộc Israel với những chính sách tôn giáo thù địch đã tự ý vi phạm, phá bỏ thỏa thuận mà chính nhà nước Do Thái đã ký kết cùng Jordan và Mỹ về xoa dịu căng thẳng tại Jerusalem, vùng đất thánh mà Israel và Palestine tranh chấp. Thỏa thuận trên là một trong những nỗ lực của cộng đồng quốc tế với hy vọng làm sống lại tiến trình hòa đàm Trung Đông vốn bị gián đoạn trong thời gian qua do những bất đồng chưa thể thu hẹp giữa Israel-Palestine.

Tuy nhiên, những diễn biến bạo lực mới nhất cho thấy sự kỳ vọng về hòa bình cho vùng đất Trung Đông đầy bất ổn thực sự là một chặng đường quá nhiều chông gai. Chính những toan tính chính trị và sự mất lòng tin của các bên tham gia tiến trình hòa đàm đã cản trở hòa bình cho người dân Trung Đông.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục