Chậm xử lý sau thanh tra gây nhiều bức xúc

Điệp khúc... chậm

Trong khi cơ quan chức năng quyết liệt làm rõ khiếu nại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật, giải quyết quyền lợi người dân, thì việc xử lý sau thanh tra lại quá chậm. Điều này đã khiến người dân bức xúc.

Điệp khúc... chậm

Theo đơn phản ánh của ông Lê Minh Luân (60 cư xá Tự Do phường 7 quận Tân Bình), mẹ ông là bà Nguyễn Thị Cúc là con nuôi của bà Đỗ Thị Hảo nên được thừa kế căn nhà số 60 (cùng địa điểm). Gia đình ông đã ở ổn định trong ngôi nhà này. Khi đất nước vừa giải phóng, Phòng Dân vận - Cục Chính trị Miền đã mượn một số phòng làm nơi công tác.

Vào năm 1987, một số người đã làm giả biên bản kiểm kê nhà vắng chủ và quận Tân Bình đã căn cứ vào đó ban hành quyết định (số 06/QĐ ngày 30-6-1987) kiểm kê và tạm thời quản lý căn nhà theo diện vắng chủ. Sau đó, UBNDTP ban hành quyết định xác lập sở hữu Nhà nước căn nhà này, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gia đình ông Luân.

Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có văn bản (số 5016/VPCP, ngày 19-7-2010) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) cùng một số cơ quan liên quan kiểm tra, giải quyết khiếu nại.

Ngày 28-4-2001, TTCP đã có báo cáo (số 974/KL-TTCP), kết luận việc ông Lê Minh Luân tố cáo cán bộ khai man, giả mạo chữ ký của cha ông, dẫn đến xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với căn nhà số 60, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBNDTP.

Phó Thủ tướng đã đồng ý với báo cáo của TTCP, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện, báo cáo kết quả xử lý. Thế nhưng, đến nay việc xác minh bản kê khai là giả hay thật vẫn chưa được thực hiện.

Một trường hợp khác, Công ty Nhị Hiệp (phường Trường Thạnh quận 9) sau hơn 10 năm vẫn không thực hiện đền bù cho người dân (khi Nhà nước thu hồi đất) và vi phạm có hệ thống trong lĩnh vực xây dựng, sử dụng đất. Việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi hàng chục hộ nông dân. Ngày 12-1-2010, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo TTCP kiểm tra xác minh nội dung khiếu nại và có biện pháp xử lý nghiêm minh những sai phạm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 8-11-2010, TTCP đã thanh tra và đã có báo cáo kết luận (số 3332/BC-TTCP) kiến nghị, Công ty Nhị Hiệp phải tự thỏa thuận, thương lượng bồi thường dứt điểm cho người dân. Nếu không thỏa thuận đền bù xong thì khoanh vùng trả lại đất để các hộ dân ổn định cuộc sống; chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện 20 quyết định xử phạt hành chính đã ban hành, cương quyết tháo dỡ 18.000m² nhà, xưởng xây dựng không phép.

Ngày 29-11-2010, VPCP đã có văn bản (số 8664/VPCP) về xử lý sau thanh tra, nêu rõ “Phó Thủ tướng đồng ý các nội dung kiến nghị của TTCP. Chủ tịch UBNDTP chỉ đạo thực hiện các kiến nghị nói trên của TTCP, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài; báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong quý 1-2011”.

Cũng như gia đình ông Lê Minh Luân nói trên, hàng chục hộ nông dân ở quận 9 mỏi mòn chờ cá nhân, đơn vị thực hiện kiến nghị TTCP, theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhưng càng chờ càng thất vọng. Việc xử lý sau thanh tra quá chậm đã dẫn đến tình trạng kiến nghị  của TTCP chỉ có hiệu lực trên giấy. TTCP đã kiến nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo, còn người dân vẫn tiếp tục… khiếu kiện.

Cần xử lý dứt điểm

Nguyên nhân chậm trễ phần lớn do một số cán bộ trong bộ máy chính quyền thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi của người dân. Ông Lê Minh Luân cho biết, gia đình đã hơn 20 năm đi khiếu nại, cũng chỉ mong chính quyền sớm làm rõ trắng đen. TTCP đã kết luận, chuyển sự việc này cho UBND TPHCM giải quyết. Gia đình đã nhiều lần làm đơn, trực tiếp gặp gỡ, kiến nghị UBND TPHCM sớm vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Trong khi gia đình chờ kết luận của UBND TPHCM, các đơn vị liên quan tổ chức bán hóa giá những căn phòng này làm tình hình càng phức tạp thêm.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Xuân Nam, Cục phó Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại khu vực 3 (TTCP), cho biết, chậm xử lý sau thanh tra đã trở thành căn bệnh khó chữa, dẫn đến quyền lợi chính đáng của người dân không được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của TTCP. Thời gian qua, TTCP đã nhiều lần có văn bản, ý kiến với địa phương yêu cầu xử lý dứt điểm những vụ việc đã được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện theo kết luận, kiến nghị của TTCP, tuy nhiên, căn bệnh chậm xử lý sau thanh tra vẫn chưa được chữa dứt điểm.

Để chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện nghiêm túc, ngoài việc ban hành văn bản đôn đốc, cơ quan chức năng đang kiến nghị TTCP lập đoàn thanh tra xử lý sau thanh tra, nhằm xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại đã được kết luận và không loại trừ khả năng đề xuất xử lý các cán bộ chậm thực hiện kết luận thanh tra.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục