Chặn bán hàng giả để bảo vệ du khách

Nhà chức trách Thái Lan vừa cam kết sẽ thắt chặt công tác điều tra, ngăn chặn việc buôn bán các loại hàng hóa giả mạo, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, do lo ngại tệ nạn này sẽ bùng phát trở lại khi đất nước tái mở cửa du lịch. 
Hàng giả bị tiêu hủy ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan
Hàng giả bị tiêu hủy ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan

Tờ Bangkok Post ngày 18-7 dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan Jittima Srithaporn cho biết, cơ quan này đã thảo luận với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Cục Điều tra đặc biệt, Cục Hải quan Thái Lan, các chủ sở hữu trí tuệ và chủ các khu thương mại lớn nhằm đưa ra những hướng dẫn giám sát, bảo vệ và trấn áp các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, nhà chức trách sẽ tiến hành các cuộc điều tra nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là các khu vực “đỏ” và các khu chợ nổi tiếng về việc buôn bán các sản phẩm giả mạo. Những nơi đó bao gồm cả những địa điểm du lịch quen thuộc đối với du khách nước ngoài như phố Silom ở thủ đô Bangkok, bãi biển Patong ở Phuket, chợ Rong Kluea ở tỉnh Sakeo và đảo Koh Samui thuộc tỉnh Surat Thani. 

Bà Jittima cho biết, sau khi Thái Lan mở cửa trở lại vào ngày 1-6 để thúc đẩy ngành du lịch, một lượng lớn du khách nước ngoài đã đổ vào Thái Lan. Vì thế, nạn buôn bán các loại hàng hóa giả mạo có thể bùng phát trở lại tại các khu vực du lịch. Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã phối hợp với các đối tác, cả ở khu vực công và khu vực tư nhân, nhằm đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn và trấn áp các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Cục này và các đối tác còn cam kết sẽ đi trước một bước trong việc đưa ra những biện pháp ngăn chặn xâm hại các quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến.

Hồi đầu năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã ký kết một bản ghi nhớ về việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến với Cục Phát triển kinh doanh, các nền tảng thương mại trực tuyến quốc tế lớn như Shopee, Lazada và JD Central, cùng 25 chủ sở hữu trí tuệ, bao gồm cả người Thái Lan và người nước ngoài. Theo bà Jittima, sự hợp tác này đã giúp giảm đáng kể việc buôn bán các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên ba nền tảng thương mại điện tử lớn.

Các chủ sở hữu trí tuệ hiện đã được phép thông báo thẳng cho các doanh nghiệp điều hành các nền tảng thương mại này về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà họ phát hiện được. Từ đó, các nền tảng thương mại điện tử sẽ gỡ bỏ mặt hàng hoặc xóa tài khoản của người bán ngay lập tức. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan cũng đang bổ sung danh sách các chủ sở hữu trí tuệ và một số nền tảng trực tuyến khác như Facebook và YouTube, nơi nạn vi phạm bản quyền, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, vẫn tràn lan.

Với những nỗ lực chống nạn buôn bán hàng giả, trong vòng 5 tháng đầu năm 2022, các nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ 734 đối tượng, trong khi số hàng hóa bị tịch thu lên tới 438.072 đơn vị, giảm 88,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo trang mạng The Thaiger, có thể tìm thấy túi xách Gucci giả, giày Nike và kính mát Prada với giá rẻ ở khắp mọi ngõ ngách của hầu hết mọi khu chợ ở Thái Lan. Bất kỳ ai vi phạm các nhãn hiệu đã đăng ký tại Thái Lan có thể phải đối mặt với án tù lên đến 4 năm, phạt tiền lên đến 400.000baht (11.000USD) hoặc cả hai. Những người vi phạm nhãn hiệu chưa đăng ký có thể phải đối mặt với 3 năm tù giam, phạt tiền hoặc cả hai.

Tin cùng chuyên mục