Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (Nghị định 79) thực hiện những năm qua cho thấy đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong việc chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản. Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính đã tạo thuận lợi cho người dân, tạo sự yên tâm cho cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nghị định 79 có quy định, cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu (chỉ yêu cầu xuất trình bản chính khi bản sao không có chứng thực)…
Tuy nhiên, trong thực tế nhiều nơi không chấp nhận cá nhân, tổ chức đi làm TTHC xuất trình bản sao không có chứng thực nhưng có bản chính để đối chiếu, mà vẫn yêu cầu nộp bản sao có chứng thực. Chính vì vậy, nhu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản của cá nhân, tổ chức ngày càng gia tăng, từ đó dẫn đến tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết và trở thành lạm dụng bản sao có chứng thực. Tổng kết công tác chứng thực từ năm 2007 đến nay cho thấy, mỗi năm, cơ quan hành chính các cấp trên toàn quốc đã thực hiện chứng thực hàng trăm triệu bản sao. Việc làm này không những gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội mà còn tạo nên áp lực, quá tải đối với cơ quan hành chính các cấp trong công tác chứng thực sao y.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC. Theo đó, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền nội dung của Nghị định 79 về quyền của các cá nhân, tổ chức khi trực tiếp thực hiện TTHC thì các giấy tờ trong thành phần hồ sơ có thể là bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện TTHC nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết TTHC cần rà soát những văn bản hành chính do cơ quan, tổ chức ban hành dưới hình thức quyết định, thông báo, công văn và các hình thức văn bản khác, nếu phát hiện những quy định về TTHC trái với quy định của Nghị định 79 thì phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế theo thẩm quyền cho phù hợp, tránh gây phiền hà dân. Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành phải tăng cường kiểm tra cách thức tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản trái với quy định của Nghị định 79; bố trí đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sao giấy tờ, văn bản của cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC; thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC.
HOÀI NAM