Chấn hưng điện ảnh dân tộc

Trong quan niệm của đông đảo người xem ở Việt Nam hiện nay, phim truyện màn ảnh lớn và phim truyện truyền hình đều là phim, đều là điện ảnh. Tuy nhiên, khi nhắc tới nền điện ảnh của một nước nào đó, người ta thường chỉ tính đến phim chiếu trên màn ảnh lớn tại rạp. Cũng như vậy, tại các liên hoan phim trên thế giới, các giải thưởng dành cho tác phẩm điện ảnh xuất sắc cũng chỉ trao tặng những bộ phim chiếu trên màn ảnh lớn. Tuyệt nhiên không tính tới các phim nhiều tập của truyền hình. Tách bạch rành rọt như vậy để thấy với thực trạng hiện nay, nền điện ảnh của nước ta đang trong “cơn bĩ cực”.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trên cả nước có tới 3 - 4 hãng phim lớn như Hãng phim truyện Hà Nội, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu... Số đầu phim xuất xưởng hàng năm có lúc lên gần 30 bộ. Nay các hãng phim trên đều đã chuyển thành đơn vị một thành viên, tự tính toán lấy để làm phim và... nuôi nhau! Số đầu phim được làm ra bằng vốn của nhà nước lèo tèo mỗi năm từ 3 - 4 bộ. Và những bộ phim này vẫn được xem là sản phẩm để “giữ gìn bộ mặt” cho nền điện ảnh nước nhà trước đồng nghiệp, bè bạn trong khu vực, trên thế giới.

Vì sao nhà nước cần tiếp tục có sự đầu tư kinh phí hơn nữa để vực dậy và nuôi sống nền điện ảnh nước nhà? Giống như mọi hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động điện ảnh ở nước ta phải góp phần định hướng văn hóa, tinh thần. Nghĩa là sản phẩm điện ảnh không chỉ thuần túy mang thuộc tính hàng hóa, mà còn bảo đảm chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ... Để đạt tới các mục đích ấy, không thể đặt lên “đôi vai” nhà sản xuất phim tư nhân, vì dẫu thế nào thì kinh doanh vẫn là mục đích quan trọng của họ. Chính nhà nước đã từng chi tiền ra để gột dựng một nền điện ảnh, tạo ra những sản phẩm đạt yêu cầu về tư tưởng - thẩm mỹ của xã hội. Và cũng cần khẳng định rằng, các sản phẩm điện ảnh giàu giá trị tư tưởng - thẩm mỹ ấy đã được làm ra bởi đội ngũ những người có trình độ tay nghề cao, lại không bị chi phối bởi các phép tính lỗ lãi.

Lý do thứ hai thường được xem là điều đương nhiên. Đó là chúng ta đã có một nền điện ảnh được đặt nền móng bởi những thước phim thời sự, phóng sự quay ngay tại nơi bom rơi đạn nổ; những bộ phim truyện phục vụ đắc lực việc động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ trong chiến đấu cũng như xây dựng trong hòa bình. Ai đó có coi sản phẩm phim ảnh thuở ấy còn xơ cứng, giáo điều thì cũng xin đừng quên rằng phim ảnh những năm tháng đó lành mạnh, tôn vinh những giá trị tinh thần đạo đức, luôn luôn phấn đấu vươn lên đạt tới những chuẩn mực thẩm mỹ, nghề nghiệp cao.

Bản đề án chiến lược phát triển điện ảnh đã bàn tới những giải pháp tổng thể để làm một cuộc “lột xác” cho nền điện ảnh dân tộc trước yêu cầu “số hóa” của điện ảnh toàn cầu. Đó là phải nhanh chóng đổi mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của quá trình sản xuất tác phẩm điện ảnh, đồng thời phải mau chóng đào tạo thế hệ nghệ sĩ, kỹ thuật viên... qua đào tạo ở nước ngoài cả về nghệ thuật lẫn kỹ nghệ làm phim; học một cách cơ bản, dài ngày. Cả hai công việc này đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn. Liệu một cá nhân hoặc một nhóm các nhà sản xuất phim ảnh nào có khả năng bỏ ra một lượng kinh phí như vậy không? Thành thử, chỉ có thể trông cậy ở vai trò của nhà nước.

Tuy nhiên, có một vấn đề không thể bỏ qua, để đề án chiến lược phát triển điện ảnh thật sự có tính khả thi cần có sự đầu tư đồng bộ. Bởi vì, chúng ta đã từng lớn tiếng kêu gọi phải đổi mới, hiện đại hóa điện ảnh với các động thái “thiết thực” như xây dựng công trình này, làm xưởng kia; hoặc rất chăm chỉ ra nước ngoài mua máy móc và trang thiết bị điện ảnh mà hầu như không ngó ngàng tới khâu đào tạo người sử dụng. Kết quả là máy móc, trang thiết bị trùm bạt, hoen gỉ và thành đống sắt vụn.

Con đường xã hội hóa sẽ là nhà nước xuất vốn mua trang thiết bị để làm phim, xây dựng các phim trường, cho tư nhân làm phim thuê lại. Nhà nước xuất vốn cử người đi học làm phim ở nước ngoài và khi anh chị em thành đạt nhà nước thu lại vốn qua các hợp đồng để sản xuất các bộ phim có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật. Và vấn đề còn lại chính là tình yêu và nhận thức đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của ngành nghệ thuật điện ảnh trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Có được 2 điều này, mỗi người làm điện ảnh sẽ có tầm nhìn xa về tương lai điện ảnh nước nhà...

Tô Hoàng

Tin cùng chuyên mục