Chặn tin đồn thất thiệt

LTS: Thời đại số, bất kỳ lĩnh vực nào cũng dễ dàng xảy ra tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế. Tin đồn là một dạng chiến tranh tâm lý rất nguy hiểm. Để ngăn chặn, cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ tin đồn thất thiệt; người dân cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin chưa rõ ràng, và quan trọng nhất là phải có biện pháp xử lý đủ mạnh với đối tượng tung tin đồn để răn đe. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, bạn đọc về vấn đề này.
Cơ quan chức năng làm việc với người phụ nữ đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Cơ quan chức năng làm việc với người phụ nữ đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Luật sư NGUYỄN VĂN TÒNG, Đoàn Luật sư TPHCM:

Người dân cần tỉnh táo trước tin đồn thất thiệt

Thời gian qua, mạng xã hội (MXH) rộ lên nhiều tin đồn thất thiệt. Cụ thể như vụ cấm xuất cảnh với một lãnh đạo DNTN đầu tư nhiều công trình địa ốc cao cấp hay tiêm vaccine sẽ bị rụng tóc, yếu sinh lý… Các tin đồn như thế đánh vào tính hiếu kỳ và gây hậu quả không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số đối tượng liên quan được triệu tập để làm rõ mục đích tung tin đồn thất thiệt, một số khác đã bị xử lý. Động thái tích cực này đã cho thấy thái độ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. 

Để ngăn chặn tin đồn thất thiệt, người dân cần hết sức tỉnh táo. Nếu không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và người thân thì không cần hoang mang, lan truyền. Bởi lẽ, MXH phát triển, việc lan truyền thông tin như vậy là góp phần cho bọn xấu đạt được mục đích. Mặt khác, cơ quan nghiệp vụ, quản lý nhà nước cần nêu cao trách nhiệm trong việc xử lý. Đối với những tin đồn có ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân, cần một chuyên gia đầu ngành hay thông báo khẩn cấp để người dân có cơ sở hưởng ứng. Thông báo phải ngắn, gọn; chuyên gia diễn đạt thực tế, có cơ sở thực tiễn… Việc chuyển biến chậm hay thiếu quyết liệt sẽ ít nhiều khiến cho tình hình phức tạp thêm, dù thực chất không như vậy. 

Ông MAI VĂN CHIẾN, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai:

Chính quyền cần nắm bắt nhanh

Phải nói ngay, tin đồn không tự nhiên mà có. Nó xuất hiện để phục vụ một mục đích của một nhóm người và tính hiếu kỳ, mong muốn có thông tin... Hẳn mọi người còn nhớ, ngành sản xuất nước mắm đã một phen lao đao vì tin đồn có tạp chất gây ung thư. Sau đó, mắm tôm cũng bị dính nghi vấn tương tự. Đó là về thực phẩm tiêu dùng, còn về tinh thần thì tin thất thiệt tràn lan trên MXH và xuất phát từ khu dân cư. Thời điểm cả nước gồng mình chống dịch, MXH từng lan truyền câu chuyện của “bác sĩ Khoa” và nhóm người tung tin đã bị cơ quan chức năng xử lý. 

Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành và thậm chí cảnh sát khu vực đã đến tận nhà phát thông tin cảnh báo. Theo tôi, đây có lẽ là giải pháp tích cực nhất để phòng chống tin đồn thất thiệt. Do vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo, thận trọng; chính quyền cần nắm bắt, chuyển biến thật nhanh với tin đồn thất thiệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân. 

Th.S PHẠM VĂN CHUNG, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum:

Phải xử lý hình sự với người tung tin đồn thất thiệt

Liên quan đến sự việc một số tài khoản MXH truyền thông tin cấm xuất cảnh đối với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã gây ra những hệ lụy lớn không chỉ với doanh nghiệp này, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, không đơn giản là vi phạm pháp luật, hành vi này còn nguy hiểm cho xã hội. Với quy định hiện hành, người tung tin đồn thất thiệt kiểu này chỉ bị xử lý hành chính là chưa thỏa đáng, không đủ sức răn đe, đặc biệt là chưa tương xứng với thiệt hại gây ra. Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính với Tô Vĩ Hoàn (38 tuổi) mức 7,5 triệu đồng. Mức phạt này quá nhẹ khiến dư luận băn khoăn. Theo quy định, hành vi xúc phạm danh dự, nhâm phẩm của người khác trên MXH nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung hành vi này là tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thượng tá LÊ MẠNH HÀ, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM:

Sẽ xử lý nghiêm để răn đe

Thời gian qua, cơ quan công an đã khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự liên quan đến vi phạm trên lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản được người dân quan tâm. Tuy nhiên, một số đối tượng cũng lợi dụng MXH để đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng từ các nhân vật, doanh nghiệp lĩnh vực liên quan... nhằm mục đích câu like, trục lợi. Điều này tác động xấu tới dư luận xã hội, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, chứng khoán, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế. 

Với đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, tùy mức độ vi phạm pháp luật có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Thời gian tới, ngành công an sẽ tập trung rà soát, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định những cá nhân đăng thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên chọn kênh thông tin chính thống để theo dõi; không chia sẻ tin đồn thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Tin cùng chuyên mục