Tuần qua, Hạ viện Mexico đã thông qua dự luật Vì nạn nhân cuộc chiến chống ma túy sau khi dự luật này nhận được sự ủng hộ của Thượng viện trước đó. Như vậy, trong vòng 60 ngày tới, Tổng thống Felipe Calderon sẽ ký ban hành luật cho dự luật nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của Quốc hội Mexico.
Theo đó, Chính phủ Liên bang phải hỗ trợ tài chính, y tế và hàng rào pháp lý cho những người bị ảnh hưởng bởi nạn bạo lực do những băng nhóm buôn bán ma túy gây ra. Mỗi nạn nhân sẽ nhận mức hỗ trợ tối đa là 73.000 USD, bao gồm cả chi phí để họ ổn định cuộc sống mới cũng như để họ chữa trị những vấn đề về thể chất, tinh thần phải gánh chịu từ bạo lực. Trong 189 điều được ghi trong dự luật bao gồm những nội dung như: triển khai tìm kiếm người mất tích, lập hồ sơ thống kê cụ thể để nâng cao trách nhiệm bảo vệ tính mạng công dân.
Truyền thông Mexico đưa những lời nhận xét tích cực đối với dự luật trên. Kể từ khi Tổng thống Felipe Calderon nhậm chức tháng 12-2006 với cam kết quét sạch các băng đảng buôn bán ma túy, ông đã phải dùng đến quân đội để thực hiện lời hứa của mình. Nhưng dường như lực bất tòng tâm khi số người chết do các băng đảng ma túy gây ra trong gần 6 năm qua lên đến 60.000 người, số người mất tích xấp xỉ phân nửa con số ấy. Trong bối cảnh 2 tháng nữa diễn ra cuộc bầu cử tổng thống (ngày 1-7), điều mà người dân Mexico mong đợi nhất là tìm được người lãnh đạo có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để diệt tận gốc vấn nạn ma túy.
Nhìn lại, 6 năm nhiệm kỳ của ông Felipe Calderon, cuộc chiến chống ma túy chỉ dừng lại ở việc tiêu diệt những nhân vật được gọi là trùm ma túy.
Theo phân tích của các chuyên gia an ninh quốc tế, tình hình ở Mexico không đơn giản để chỉ áp dụng cách truy quét lẻ tẻ trên vì nó không làm các băng đảng sụp đổ mà chỉ tạo ra khoảng trống quyền lực dẫn đến thanh toán đẫm máu để tranh giành quyền lực giữa các thế lực. Băng đảng ma túy đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống để uy hiếp người dân trong khi phần lớn cảnh sát ở Mexico đều không vượt qua được bài kiểm tra từ máy dò sự thật. Hiếm hoi mới có những cảnh sát nhiệt huyết và dũng cảm nhưng họ cũng không vững tâm được bao lâu.
Còn nhớ, năm 2011, 6 tháng sau khi nhậm chức cảnh sát trưởng ở một khu vực biên giới Mexico - Mỹ, địa bàn nóng của các băng đảng, cảnh sát trưởng Marisol Valles Garcia (20 tuổi) - người được mệnh danh là “Người phụ nữ dũng cảm nhất Mexico” đã phải âm thầm trốn sang Mỹ để bảo toàn tính mạng. Sự dũng cảm của cô đã rơi vào vòng xoáy của bạo lực và sự thờ ơ của chính phủ. Điều quan trọng mà Chính phủ Mexico chưa làm được là tạo niềm tin cho bộ máy hành pháp để họ thực hiện đến cùng nhiệm vụ của mình.
Câu hỏi đặt ra liệu việc đưa ra dự luật có phải là cách mà các đảng phái, trong đó nổi bật là đảng cầm quyền Hành động quốc gia (PAN) của Tổng thống Felipe Calderon và đảng đối lập chính Cách mạng thể chế (PRI) – đảng nắm giữ lực lượng chủ chốt ở Hạ viện đang hướng đến để thu hút sự ủng hộ của người dân?
Đây là lần đầu tiên toàn liên bang, chính quyền địa phương cùng phối hợp tạo nên một bộ máy độc lập để kiểm soát và hỗ trợ kịp thời những rủi ro của người dân nhưng chỉ là phương pháp xoa dịu người dân, lấy số phiếu ủng hộ chứ chưa phải là cách thiết thực nhất để đối đầu với một cuộc chiến dường như chưa thấy được lối ra.
Như Quỳnh