Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói chuyện với sinh viên, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM

Sáng 21-11, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) và có bài nói chuyện chuyên đề về Pháp luật nhà nước Việt Nam với hơn 500 giảng viên, sinh viên của trường.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói chuyện với sinh viên, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM ảnh 1 PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư  Trung ương Đảng, Chánh án Toán án Nhân dân Tối cao nói chuyện với hơn 500 giảng viên, sinh viên 

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông rất vui mừng khi lần đầu tiên về thăm, làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM, gặp gỡ thầy trò Trường ĐH Kinh tế - Luật trong không khí kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; và đánh giá cao những thành tựu, cũng như những đóng cho quốc gia mà ĐH Quốc gia TPHCM nói chung và Trường ĐH Kinh tế - Luật đã thực hiện trong thời gian qua.

“Qua báo cáo và thực tiễn chứng kiến, tôi rất vui mừng về những cống hiến của nhà trường và cũng rất hy vọng với định hướng nghiên cứu hết sức đúng đắn mà nhà trường đã vạch ra, nhà trường sẽ tiếp tục thành công hơn nữa, để xứng đáng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao”, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói chuyện với sinh viên, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM ảnh 2 PGS-TS Ngô Hữu Phước, giảng viên Khoa Luật Kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) đặt câu hỏi giao lưu với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình 
Trình bày bài nói chuyện với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã đi sâu vào hai nội dung chính: Giới thiệu Nghị quyết Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những thách thức trong quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam. Sau đó, PGS-TS Trương Hòa Bình đã có những trao đổi, giao lưu với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật và nhận được nhiều câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân về chương trình đào tạo ngành Luật phải đổi mới như thế nào để giải quyết các bài toán của thực tiễn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, Trường ĐH Kinh tế - Luật đã đào tạo tốt rồi nhưng muốn tốt hơn nữa thì cần bám sát thực tế cuộc sống.
“Khoa học pháp lý, khoa học xét xử, tư pháp không phải là khoa học cơ bản mà là khoa học thực hành, vì vậy cần phải gắn liền với thực tế. Gắn với thực tế cuộc sống để đào tạo, nghiên cứu thì chất lượng đào tạo của chúng ta sẽ tăng lên”, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình nói.
Cùng với đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cũng cao đặt hàng các nhà khoa học đóng góp, nghiên cứu và cho ý kiến để cải cách tư pháp Việt Nam trong tương lai. Đồng chí hy vọng sẽ nhận được nhiều đề cử án lệ từ ĐH Quốc gia TPHCM.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, nội dung bài nói chuyện của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình là rất quan trọng. Bởi vì nó gợi mở cho các thầy cô, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói chuyện với sinh viên, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM ảnh 3 Trường ĐH Kinh tế - Luật và Học viện Tòa án, Tòa án Nhân dân tối cao đã ký kết hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Trường ĐH Kinh tế - Luật và Học viện Tòa án, Tòa án nhân dân Tối cao đã ký kết hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo đó, hai bên cam kết: giới thiệu cho nhau các chuyên gia, giảng viên có năng lực về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp và đủ điều kiện giảng dạy các chương trình đào tạo đại học và sau đại học; phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu và phương pháp đào tạo; giới thiệu, tổ chức cho giảng viên, học viên, sinh viên của mình đến tham quan, thực tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với giảng viên, học viên, sinh viên của bên kia trong quá trình đào tạo; hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, đặc biệt là hoạt động công bố quốc tế, phản biện xã hội, tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế, triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp trong lĩnh vực pháp luật và các nội dung hợp tác khác theo chức năng và nhiệm vụ của 2 bên.

Tin cùng chuyên mục