Chanh dây không quả, công ty bán giống biến mất

Thấy công ty quảng cáo giống chanh dây thực sinh cho hiệu quả cao, lại hứa bao tiêu sản phẩm nên dân mua trồng. Ai ngờ trồng không có quả, dân buộc phải chặt bỏ. 
Một hộ dân xã Ia Blứ phá bỏ diện tích chanh dây vì trồng không có quả
Một hộ dân xã Ia Blứ phá bỏ diện tích chanh dây vì trồng không có quả
Theo phản ánh của người dân xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), từ giữa năm 2016, do tiêu chết nên người dân có ý định chuyển đổi sang trồng  chanh dây. Đến khoảng tháng 9-2016, Công ty TNHH Tuấn Đại An (TP Pleiku) do bà Bùi Thị Diệu Hiền làm giám đốc, xuống địa bàn xã chào mời giống chanh dây thực sinh (ươm từ hạt lên) hiệu quả cao với giá 37.000 đồng/cây. Để dân tin, công ty điều xe chở nông dân lên TP dự hội thảo và đi tham quan mô hình.  Phía công ty còn đưa ra các ưu đãi như: cho nợ 50% tiền giống, phân bón và sẽ trừ khi chanh dây thu hoạch; khi cây xuống giống mà trong vòng 4 tháng không thấy đậu bông thì công ty có trách nhiệm thay thế cây khác; đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, trong đó nêu rõ, công ty có trách nhiệm thu mua sản phẩm cho dân. 

Thấy có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hạn chế được rủi ro đầu ra nên dân mua giống trồng. Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) cho biết, chị mua 300 cây và xuống giống trồng trong tháng 10-2016. Cây phát triển xanh tốt nhưng đến thời kỳ ra bông thì không đậu quả. Thấy bất thường, chị gọi phản ánh và đại diện công ty xuống một lần rồi từ đó về sau mất dạng. Đến giờ đã 8 tháng, quá thời hạn cho trái đã lâu nhưng 300 cây chanh dây không thấy quả đâu mà toàn thấy lá xanh um tùm. Hiện chị cũng chưa biết xử lý số chanh dây không trái trên như thế nào.

Ông Lê Đầu, Trưởng thôn Lương Hà, cho biết, có khoảng 30 hộ dân ở thôn trồng giống chanh dây do công ty trên cung cấp và hiện không cho quả. Cuối tháng 3-2017, công ty có về làm việc với dân, thừa nhận không có quả là do giống và hứa sẽ mang giống khác về đổi lại. Tuy nhiên, từ đó công ty “lặn” mất, dân gọi không bắt máy. Hiện có 12/30 hộ đã chặt bỏ vườn chanh dây không quả để chuyển sang trồng giống khác. Những hộ còn lại chưa chặt bỏ vì do không có tiền đầu tư giống chanh dây mới, số khác giữ lại để nếu công ty có về thì còn có bằng chứng nói chuyện. Theo ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, việc ký hợp đồng chỉ thực hiện giữa dân với Công ty Tuấn Đại An, không qua UBND xã. Sắp tới, xã sẽ gặp các hộ dân để nắm thông tin, diện tích trồng và xem xét tính pháp lý của hợp đồng để có hướng xử  lý. 

Không chỉ có chanh dây, nhiều hộ dân ở xã Ia Glai (huyện Chư Sê) cũng phản ánh, Công ty An Phú Khang Tây Nguyên (TP Pleiku ) ký hợp đồng bán giống bí đao, bí đỏ và thu mua sản phẩm cho dân nhưng đến thu hoạch không thấy công ty đến mua dù người dân đã điện thoại liên tục. Do bí không bán được nên nhiều diện tích bị thối. Thống kê sơ bộ có 8 hộ ký kết với diện tích trồng là 18,5ha. Tuy nhiên số lượng thực tế còn nhiều hơn.   

Phóng viên tìm đến địa chỉ của Công ty Tuấn Đại An như trên hợp đồng thì thấy khóa cửa, gọi vào số điện thoại trên hợp đồng cũng không có tín hiệu. 

Tin cùng chuyên mục