Chất chồng nỗi lo tăng giá dịch vụ y tế

Từ ngày 20-8, giá nhiều loại dịch vụ y tế tại bệnh viện công được điều chỉnh tăng lên. Việc tăng viện phí được lý giải do mức lương cơ sở tăng lên, đã nằm trong lộ trình tăng giá của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau 2 ngày triển khai, điều khiến người dân quan ngại, giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ có tăng tương xứng? 

Gánh nặng đè lên người bệnh

Theo quy định của Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các BV (bao gồm giá khám chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT), giá khám chữa bệnh sẽ tăng đồng loạt từ ngày 20-8.

Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng (hiện là 37.000 đồng); bệnh viện hạng II là 34.500 đồng (hiện là 33.000 đồng); bệnh viện hạng III là 30.500 đồng (hiện là 29.000 đồng). Cùng với đó, giá dịch vụ giường bệnh BHYT cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt (quy định cũ là 753.000 đồng/ngày)... Giá dịch vụ y tế tăng đã trở thành gánh nặng đè lên người bệnh.

Chất chồng nỗi lo tăng giá dịch vụ y tế ảnh 1 Khu vực nhà thuốc và quầy thu viện phí của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cầm trên tay hàng chục biên lai với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng là khoản viện phí mà chị Trần Thị Kim Dung (quận 9, TPHCM) phải đóng để phẫu thuật ung thư gan cho chồng tại BV Chợ Rẫy. Chị Dung cho biết, số tiền tích góp sau nhiều năm làm công nhân chỉ đủ chi trả đợt đầu điều trị bệnh cho chồng.

“Mỗi lần giá dịch vụ y tế tăng là nỗi lo thêm chất chồng. Đợt trước tăng giá thuốc, nay lại tăng viện phí, mỗi đợt điều trị tốn cả chục triệu đồng nhưng cố gắng được đến đâu thì hay đến đó”, chị Dung nói.

“Đối với bệnh nhân có BHYT lo một, những người không mua BHYT lại lo mười. Vợ chồng đều làm tự do nên không mua BHYT. Anh Lâm làm thợ hồ, không may bị tai nạn. Chỉ hơn 1 tháng nằm viện, gia đình đã tốn gần 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Thời gian điều trị còn dài mà viện phí lại tăng, khó khăn chồng chất thêm”, chị Giang, vợ anh Nguyễn Xuân Lâm (ở Long An) đang điều trị tại BV Nhân dân 115, cho biết. 

Giám sát dịch vụ

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế),  2 thông tư trên không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018) sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Với việc điều chỉnh này, giá khám bệnh, ngày giường sẽ tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. 

Về tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế đến người dân, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, đối với các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội... khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng.

Đối với người cận nghèo tỷ lệ đồng chi trả là 5%, mức độ tác động không đáng kể. Còn các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Chất chồng nỗi lo tăng giá dịch vụ y tế ảnh 2 Viện phí tăng, đòi hỏi các bệnh viện phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ

Điều băn khoăn hiện nay của nhiều người bệnh, trong khi giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh của nhiều cơ sở y tế vẫn… giậm chân tại chỗ, chưa tương xứng, thậm chí thụt lùi.

Nhiều bệnh viện vẫn chăm chú khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn xem nhẹ, phân biệt đối xử khám chữa bệnh bằng BHYT. TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng tăng giá viện phí lần này là điều chỉnh tăng theo bậc lương tối thiểu, không ảnh hưởng nhiều tới người có thẻ BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, bệnh viện cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người bệnh.

“Dù viện phí có tăng hay không thì mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh luôn là vấn đề sống còn trong hoạt động của bệnh viện”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn khẳng định.

Cùng với việc điều chỉnh giá viện phí BHYT và không có BHYT, Bộ Y tế cũng sắp ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập (dự kiến vào tháng 10 tới).

Theo dự thảo của thông tư này, các BV công sẽ được xây dựng, quyết định mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.

Trong đó, đáng quan tâm nhất là giá giường bệnh tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) có giá tối đa lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng).

Tin cùng chuyên mục