Chất lượng lao động: Báo động!

Vừa thiếu, vừa yếu
Chất lượng lao động: Báo động!

Chất lượng lao động (LĐ) thấp và thường xuyên thiếu hụt là thách thức mà các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM đang phải đối mặt. Đó là chưa kể, từ đầu năm 2011 đến nay, trong các KCX-KCN có trên 30.000 LĐ nhảy việc, khiến thị trường lao động TPHCM thêm rối.

Nhà trường và doanh nghiệp cần thống nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhà trường và doanh nghiệp cần thống nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vừa thiếu, vừa yếu

Theo thống kê, trong số trên 252.000 LĐ đang làm việc tại 1.034 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong 14 KCX-KCN chỉ gần 7% được đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng và có đến 84% LĐ có trình độ từ THPT trở xuống.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) cho biết thêm, một nửa LĐ trong các KCX-KCN chỉ có trình độ tiểu học và trung học cơ sở. Điều đó cho thấy, DN trong các KCX-KCN hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, chỉ cần công nhân trình độ học vấn thấp.

Ông Định thừa nhận do nhu cầu giải quyết việc làm trong những năm đầu thành lập KCX-KCN nên những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, cơ khí… chiếm tỷ trọng tương đối cao.

Một nguyên nhân khác, theo ông Định, do khâu đào tạo của các trường chưa phù hợp với dây chuyền sản xuất của DN nên DN phải tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng theo nhu cầu. Tuy nhiên, nếu DN tuyển dụng và đào tạo thì cũng chỉ đáp ứng ở từng khâu sản xuất nhất định. Thế nên, cho dù có trong tay cả 10 năm kinh nghiệm song khi chuyển việc mới có yêu cầu cao hơn (dù cùng ngành nghề) thì LĐ gần như phải đào tạo từ đầu.

 Nhận định của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu phát triển nhân lực (ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng: Nhu cầu về LĐ chất lượng cao của Việt Nam cũng như TPHCM gia tăng nhanh do đã qua giai đoạn có lợi thế về LĐ giá rẻ. Đặc biệt, từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu buộc các DN Việt Nam phải cơ cấu, tổ chức lại sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh.

“Nhảy việc”

Theo báo cáo của HEPZA, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2011 tại các KCX-KCN đã có đến 30.000 LĐ đang làm việc thành phố “nhảy việc” từ công ty này qua công ty khác, gây khó khăn cho DN vì sản xuất không ổn định và phải đào tạo lại tay nghề khi tuyển người mới.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhảy việc” là do có sự cạnh tranh nhau về mức lương, trong khi các chính sách an sinh xã hội lâu dài chưa được các DN quan tâm để giữ chân LĐ. Đó là chưa nói đến việc hiện nay chính sách về trợ cấp thất nghiệp còn nhiều kẽ hở nên không ít lao động nghỉ việc với mục đích được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực tế cho thấy, mặc dù các KCX-KCN đang “khát” lao động nhưng bình quân mỗi tháng tại TPHCM có gần 10.000 LĐ đăng ký xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, thậm chí có tháng có gần 15.000 LĐ nghỉ việc đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Một mặt, thu nhập của người lao động tại các KCX-KCN đã không còn hấp dẫn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng khan hiếm lao động và người lao động tự ý bỏ việc, hoặc chuyển từ công ty này sang công ty khác có khi chỉ do chênh lệch vài trăm ngàn đồng tiền lương.

Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN với nhau. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng quản lý Công ty TNHH Mtex cho biết, không ít DN trương bảng quảng cáo tuyển dụng với mức lương có vẻ hấp dẫn nhưng lập lờ các điều kiện, thời gian làm việc khiến người LĐ cứ “nhảy việc” liên tục.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường LĐ TPHCM, cho biết: “Tỷ lệ LĐ nhảy việc, bỏ việc thời gian gần đây chiếm tỷ trọng khá cao, bình quân trên 25% và đa phần là LĐ phổ thông. Những DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, thực phẩm, nhân viên kinh doanh, dịch vụ - phục vụ, cơ khí, bán hàng... có sự dịch chuyển và thiếu LĐ nhiều nhất, gây khó khăn cho một số DN gia công sản xuất và kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Những DN này luôn ở trong tình trạng thiếu và sợ mất LĐ. “Tỷ lệ người thất nghiệp cao nhưng các DN vẫn kêu thiếu lao động, đó là nghịch lý của thị trường lao động TPHCM hiện nay” – ông Tuấn bày tỏ.

Tại hội thảo về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển các KCX-KCN TPHCM mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, để khắc phục phần nào tình trạng thiếu lao động phổ thông và hạn chế tình trạng “nhảy việc”, các DN cần lưu ý vấn đề lương và các chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người LĐ.

Mặt khác, các trường đại học và trường nghề thay vì đào tạo các ngành mình có thì nên tìm hiểu cái DN cần. Để làm được điều đó, DN và nhà trường cần có sự thống nhất trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Bên cạnh chất lượng LĐ thấp, hiện tại DN trong các KCX-KCN đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn LĐ phổ thông trầm trọng do những năm gần đây xu hướng LĐ trở về địa phương làm việc để giảm một phần chi phí nhà trọ và sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn.

Mới đây, KCX Tân Thuận rao tuyển 200 LĐ cơ khí, song số hồ sơ nộp chỉ đạt 60%. Hay Tập đoàn Intel cần 3.000 LĐ có tay nghề, tuy nhiên đến gần thời điểm đi vào hoạt động chỉ tuyển được 400 người. Tại Công ty TNHH Thiết kế Renessas Việt Nam (KCX Tân Thuận), bà Hồ Thị Thu Hà, Trưởng phòng nhân sự cho biết: “Rất khó tuyển được LĐ theo nhu cầu, chỉ 10% - 15% hồ sơ ứng tuyển có thể đáp ứng”.

Tâm Huế - Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục