Chất lượng suất ăn công nhân bị thả nổi

Thừa hóa chất, thiếu dinh dưỡng
Chất lượng suất ăn công nhân bị thả nổi

Hàng trăm vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại nhiều bếp ăn tập thể của nhà máy, khu công nghiệp làm hàng ngàn công nhân ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó có không ít ca tử vong khiến nhiều người lo lắng chất lượng suất ăn công nhân đang bị thả nổi.

Bữa ăn của công nhân vẫn đang bị thả nổi chất lượng.

Bữa ăn của công nhân vẫn đang bị thả nổi chất lượng.

Thừa hóa chất, thiếu dinh dưỡng

Đã quá trưa, trải vội tấm ni lông nhàu nát ra nền xưởng may đầy bụi vải, chị Hương cùng mấy chị em trong xưởng may của một nhà máy tư nhân trong Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) vội chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc. Bốn hộp cơm được bày ra, chỉ có ít canh rau lõng bõng, vài miếng thịt mỡ kho và một đĩa đậu xào. Trệu trạo miếng cơm nguội ngắt, chị Hương nghèn nghẹn nói: “Khổ lắm! Kinh tế khó khăn, ít việc, không chỉ bọn em bị chủ giảm lương mà bữa cơm giữa ca cũng ngày càng ít đi. Hôm nay còn có ít thịt kho và đậu là tươm tất, chứ nhiều hôm chỉ có đậu phộng với cá mắm khô, không thì cái bánh mì thôi nên nhiều lúc nuốt không thể trôi được, nhưng vẫn phải cố mà ăn vì nếu không, lấy đâu sức mà còn làm việc…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có công nhân ở nhà máy này phải ăn những bữa cơm giữa ca ngày càng đạm bạc mà đây là tình trạng chung đang xảy ra tại không ít nhà máy, khu công nghiệp trong cả nước. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhà máy có suất ăn trị giá chỉ có… 7.000 đồng cho người lao động, chưa kể đến việc lợi nhuận của những nhà cung cấp dịch vụ thì làm sao mà khẩu phần ăn của công nhân như thế có thể đảm bảo được.

Đáng lo ngại hơn, trong khảo sát mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, khẩu phần ăn hay bữa ăn của công nhân không chỉ thiếu chất, không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể người lao động phục hồi năng lượng làm việc, mà còn tồn dư không ít loại hóa chất độc hại và nguy hiểm. PGS-TS Lê Bạch Mai, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, qua khảo sát tại một số nhà máy, khu công nghiệp thì khẩu phần ăn cả ngày của công nhân chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu dinh dưỡng cho lao động nam, đạt 70% so với nhu cầu năng lượng cần thiết của lao động nữ. Bữa ăn công nhân không chỉ nghèo về giá trị dinh dưỡng mà chất lượng cũng khá thấp. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% đến từ các chất bột đường như gạo, khoai...

Đặc biệt, việc sử dụng không ít thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa qua chế biến, còn nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề đáng báo động. Kết quả test nhanh nguồn thực phẩm đầu vào của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, có đến 20%-25% thực phẩm tồn dư lượng chất bảo quản thực phẩm, hàn the gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Kiểm tra một bếp ăn tập thể cung cấp thức ăn cho công nhân.

Kiểm tra một bếp ăn tập thể cung cấp thức ăn cho công nhân.

Nhiều mối nguy hại

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay, cả nước có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 khu công nghiệp, khu chế xuất, cùng với đó là rất nhiều nhà máy rải rác ở các địa phương. Do vậy, với một lượng lớn khu chế xuất, khu công nghiệp này đòi hỏi một lực lượng lao động không nhỏ. Thế nhưng, thực tế với không ít suất ăn, bữa ăn vào ca, hay giữa ca làm việc của công nhân không đảm bảo cả về dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm đang gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tình hình ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất diễn biến phức tạp, vượt tầm kiểm soát và tiếp tục có chiều hướng gia tăng khiến người lao động lo lắng. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2011, trên toàn quốc đã xảy ra gần 100 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất, làm gần 8.500 người mắc với gần 6.600 công nhân phải nhập viện điều trị vì ngộ độc thực phẩm. Còn chỉ riêng trong quý 3-2012, cả nước đã xảy ra 67 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 2.300 người mắc bệnh, hơn 2.200 người phải đi viện và 15 người chết. Trong đó, có 16 vụ ngộ độc lớn trên 30 người chủ yếu xảy ra tại các bếp ăn tập thể.

Đáng lưu ý, qua khảo sát các vụ ngộ độc cho thấy ngộ độc tập thể xảy ra ở các bếp ăn công nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ chiếm 17% trong tổng số vụ ngộ độc nhưng do mức độ ảnh hưởng rộng nên số lượng nạn nhân rất lớn. Vì thế đã có không ít vụ ngộ độc xảy trong các khu công nghiệp làm hàng ngàn công nhân phải nhập viện điều trị khẩn cấp.

Lý giải cho tình trạng trên, đại diện Cục ATVSTP cho biết, số vụ ngộ độc tập thể xảy ra với công nhân gia tăng do nguồn thực phẩm đầu vào cho tới quy trình chế biến đến cung cấp các suất ăn chưa đảm bảo. Do giá thành các bữa ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp ngày một gia tăng, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp chấp nhận giá thành thấp, nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn. Nguồn nguyên liệu để chế biến các suất ăn rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn do hộ gia đình, tư nhân cung cấp khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Thậm chí có những cơ sở chế biến cố tình mua những nguyên liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc chất lượng khiến nguy cơ ngộ độc từ nguyên liệu là khá cao.

Trong khi đó, phần lớn các cơ sở cung cấp suất ăn cũng có quy mô nhỏ, điều kiện chế biến thực phẩm thủ công, quá trình bảo quản, vận chuyển thô sơ, nên khó bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa để bảo đảm kinh tế, nhiều công ty, xí nghiệp thường ký hợp đồng cùng một lúc với nhiều cơ sở cung cấp suất ăn, dẫn đến việc theo dõi, quản lý từ khâu nguyên liệu, chế biến và chất lượng bữa ăn gần như khoán trắng cho các cơ sở này. Điều này đồng nghĩa với việc suất ăn của công nhân bị thả nổi về chất lượng.

Cục ATVSTP kiến nghị với các khu công nghiệp và Chính phủ đề xuất quỹ đất để cho chính các nhà máy xây dựng bếp ăn tự nguyện cho công nhân. Đồng thời phải khẩn trương xây dựng quy định điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các khu công nghiệp, trong đó có nội dung quy định khẩu phần ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm cho công nhân.

Nguyễn Quốc

Tin cùng chuyên mục