Thông tin, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49) Bộ Công an phối hợp với ngành chức năng TPHCM kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH ÔNI ở phường Bình Hưng Hòa B quận Bình Tân TPHCM có hơn 1 tấn thành phẩm có tác dụng kích thích tăng trọng, tạo nạc.
Đây là vụ phát hiện số lượng chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi lớn thứ hai tại TPHCM chỉ trong vài ngày. Trước đó, lực lượng C49 cũng phát hiện 1,4 tấn chất tạo nạc tại Công ty TNHH Hồng Triến (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM). Không chỉ bị phát hiện ở các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh phía Nam, mới đây chất tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist cũng bị điểm tên tại Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế phải chỉ đạo khẩn, yêu cầu các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, truy nguồn gốc và phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Từ việc phát hiện Công ty TNHH Hồng Triển nhập khẩu nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có sản phẩm Gold Protein peptide (SSI), cơ quan chức năng kiểm soát việc nhập khẩu “bật mí” rằng sản phẩm này nằm trong danh mục được phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNN). Như thế, đường đi của chất độc hại tăng tốc, tạo nạc ngang nhiên, chứ đâu có lén lút như nhiều người vẫn tưởng. Và sự thật đáng lên tiếng hơn là từ nhiều năm nay không riêng gì Công ty Hồng Triển đường đường chính chính nhập khẩu chất cấm tạo nạc về Việt Nam mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng tham gia gieo rắc tội ác này.
Điều khó hiểu hơn nữa là tại sao việc quản lý và ban hành danh mục sản phẩm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do ngành chủ quản phụ trách - Bộ NN-PTNN - lại để lọt lưới chất cấm tạo nạc như nêu trên? Trong khi chất tạo nạc đang khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí tẩy chay thịt heo và ngành chăn nuôi heo đang chới với vì thất thu thì vấn đề quản lý, nhập khẩu chất cấm độc hại này vẫn chưa thống nhất giữa hai ngành y tế và nông nghiệp. Từ bất cập này cho thấy việc ban hành quy định pháp lý về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, trong đó có thức ăn chăn nuôi, phải được kiểm soát chặt chẽ và thống nhất.
Muốn cứu ngành chăn nuôi heo, việc làm đầu tiên là phải lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Nếu chỉ hô hào vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi nói không với chất tạo nạc, tội ác vẫn tiếp diễn. Vì thế, các cơ quan chức năng phải hành động và có biện pháp chế tài thật mạnh đối với những cá nhân, doanh nghiệp cố tình sai phạm, làm ăn gian dối, cố tình hủy hoại sức khỏe người dân. Dư luận cho rằng việc xử phạt những cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm tạo nạc có chất beta-agonist ở hai huyện Trảng Bom, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) quá chậm. Đến thời điểm này nhưng hồ sơ của 11 cơ sở chăn nuôi vi phạm vẫn đang chờ xử lý theo quy định. Phải coi đây là tội ác và xử phạt hành vi vi phạm này đúng mức để họ không bao giờ tái phạm.
THANH PHƯỚC
(Quận 12, TPHCM)