Đọc báo nước ngoài

Châu Á cần thắt chặt chính sách tiền tệ

Lạm phát đang gây sức ép ở hầu hết các nền kinh tế châu Á. Đó là nhận định vừa được đưa ra trong một bản báo cáo ngày 6-5 của ESCAPE, cơ quan LHQ chi nhánh châu Á có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan). Cơ quan này khuyến cáo “các quốc gia châu Á nên tăng cường xem xét những giải pháp kiểm soát tiền tệ để kiềm chế dòng tiền lưu thông đang làm gia tăng tình trạng lạm phát và bong bóng bất động sản”.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình tài chính Bloomberg ngày 6-5, Noeleen Heyzer, một chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ ở châu Á và Thái Bình Dương cho rằng, mối đe dọa chính đối với sự phát triển của các nước châu Á và Thái Bình Dương là sự trở lại của áp lực lạm phát đang được “tiếp sức” một phần bởi dòng chảy tiền tệ từ bên ngoài khu vực. Những nước đang đứng bên bờ vực nguy hiểm nhất gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia và Hàn Quốc.

Heyzer nói các nước này nên giám sát các dòng chảy vốn và xem liệu nó có vận hành đúng cơ chế hay không trước khi tính đến bất kỳ giải pháp nào. Khu vực châu Á cũng nên tự đầu tư cho nhau và giảm phụ thuộc vào đầu tư từ các nước phương Tây. Theo ông, sự hồi phục của châu Á rất “dễ vỡ, không đều” và chỉ có thể đứng vững được nếu kinh tế khu vực này có thể tự chuyển đổi từ sự phục hồi theo mô hình chữ V sang mô hình xuống dốc 2 lần (double dip).

Trên số báo ra ngày 5-5, tờ The Wall Street Journal cho rằng hầu hết các ngân hàng trung ương ở châu Á đều đã ở vạch tăng lãi suất trước nỗi lo ngại lạm phát và giá cả tăng đang lan rộng trên khắp khu vực. Lạm phát ở Hàn Quốc và Indonesia đã tăng nhanh hơn dự kiến. Giá tiêu dùng ở hai nước này lần lượt tăng 2,6% và 3,9% trong tháng 4 so với cùng thời điểm năm ngoái.

Nhà kinh tế Thomas Kaegi thuộc Cơ quan Quản lý tài sản UBS ở Singapore cho rằng các nền kinh tế châu Á đang chạy gần hết hoặc đã hết công suất. Vài ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu rút bớt tiền tệ trong lưu thông để ngăn chặn lạm phát và ngăn ngừa bong bóng tài sản. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, đã 3 lần yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Chính phủ Trung Quốc cấm các ngân hàng cho khách hàng vay tiền để mua nhà thứ 3. Còn Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng vừa tăng lãi suất lên gấp đôi.

Trong một cảnh báo được đưa ra hồi tháng 2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng “những bất ổn tương tự những gì đã diễn ra vào năm 2008 dường như lại đang nổi lên, dù tính chất và nguyên nhân khác nhau. Mối lo ngại trước tiên là áp lực lạm phát”.

Còn UNESCAP thì cho rằng sự phục hồi chậm ở các nước phát triển đang tạo nên nhiều thử thách hơn đối với châu Á. Sự tăng trưởng của khu vực này vẫn phụ thuộc vào tiền tệ và gói kích thích tài chính, vẫn chưa tự đứng vững. “Lối thoát vội vã” khỏi khủng hoảng của châu Á có thể đang gây nguy hiểm cho sự hồi phục của khu vực này.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục