Châu Á lo ngại xung đột trên biển Đông

Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ vừa công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng lo ngại trước những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.
Châu Á lo ngại xung đột trên biển Đông

Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ vừa công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng lo ngại trước những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự.

Trung Quốc: mối đe dọa lớn

Dẫn kết quả nghiên cứu được tiến hành tại 44 nước, Pew cho hay: tại 11 quốc gia châu Á được thăm dò trong năm nay, khoảng 1/2 hoặc hơn số người được hỏi lo ngại rằng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự. Người Philippines lo ngại nhiều nhất với 93%, tiếp theo là Nhật Bản với 85%, Việt Nam là 84% và Hàn Quốc là 83%. Ngay ở Trung Quốc, con số này cũng là 62%. Cũng theo cuộc thăm dò của Pew, Nhật Bản, Philippines coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất.

Tờ Wall Street Journal nhận định sau một thời gian dài thực hiện chính sách “ngoại giao thân thiện” với các quốc gia láng giềng, Bắc Kinh đã thể hiện một bộ mặt khác hẳn trong 2 năm qua. Tàu chiến, máy bay của Trung Quốc thường xuyên khiêu khích Nhật Bản trên biển Hoa Đông khi xâm nhập khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản.

Trung Quốc hung hãn khiến cả thế giới lo ngại.

Trung Quốc hung hãn khiến cả thế giới lo ngại.


Trên biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này; ráo riết hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ với đường lưỡi bò phi lý. Các tàu bán quân sự của Trung Quốc đã lập hàng rào xung quanh khu vực bãi cạn tranh chấp với Philippines Scarborough/Hoàng Nham, ngăn cản không cho ngư dân Philippines hoạt động tại khu vực này. Từ đầu tháng 5 đến nay, Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời điều hàng trăm tàu và máy bay bảo vệ giàn khoan và tấn công lực lượng thực thi pháp luật và tàu cá Việt Nam trong khu vực.

Trước sự đe dọa của Trung Quốc, vừa qua Philippines đã công bố kế hoạch hiện đại hóa quân đội nước này đến năm 2017. Manila dự kiến chi 1,5 tỷ USD với kỳ vọng có đầy đủ khí tài để tiến hành tuần tra, trinh sát vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên biển Đông.

Báo Trung Quốc: Thiệt cho Trung Quốc

Ngày càng có nhiều các chuyên gia phản đối các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ, trong đó có tuyên bố đường lưỡi bò trên biển Đông của Bắc Kinh. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines, Rafael Alunan, cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông là vô căn cứ. Luật pháp và lịch sử cho thấy Trung Quốc chẳng có gì trên biển Đông ngoại trừ những điều hư cấu. Trong khi đó, nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Schaeffer gọi đường 10 đoạn mới của Trung Quốc là hoang tưởng.

Ngay cả học giả Trung Quốc cũng lên án về yêu sách phi lý của Trung Quốc. Cuối tháng 6 vừa qua, học giả Lưu Hiểu Tinh cho rằng việc đường 9 đoạn đột nhiên biến thành đường 10 đoạn là “trò trẻ con”. Học giả này đã không thể hiểu Trung Quốc in bản đồ khổ dọc với đường 10 đoạn để làm gì và không rõ căn cứ pháp luật ở đâu. “Cộng đồng quốc tế yêu cầu giải thích về đường 10 đoạn thì không thể trả lời khiến thế giới không hiểu những đường đứt đoạn đó là gì. Việc chỉ vẽ một tấm bản đồ như vậy không biết có thể đem lại tác dụng gì? Đúng là một trò cười cho quốc tế”, học giả Lưu Hiểu Tinh nói.

Về việc leo thang căng thẳng trên biển Đông với Việt Nam, báo mạng Hexun của Trung Quốc vừa qua đã có bài viết nhận định: Trung Quốc gây sự với Việt Nam là một sai lầm. Theo báo này, Mỹ, Nhật Bản, các nước phương Tây và các nước Đông Nam Á đã có nhiều hành động biểu thị sự đoàn kết và ủng hộ Việt Nam kể từ sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Hexun đã nêu 7 luận điểm để chứng minh hành động gây sự trên biển Đông sẽ chỉ mang lại thiệt hại to lớn đối với Trung Quốc.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục