(SGGP). – Ngày 21-5, UBND TPHCM, Tổng Công ty Cấp nước (SAWACO) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Biến đổi khí hậu - dự báo tác động và công tác ứng phó của các đơn vị cấp nước”.
“Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và nước ngầm của TPHCM” - ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cảnh báo như thế tại hội nghị. Biểu hiện rõ nét nhất của sự tác động này đối với ngành cấp nước là mực nước ngầm bị giảm sút trong mùa khô, triều cường gia tăng, nước mặn có điều kiện xâm nhập và mực nước mặt tụt xuống…
Tiến sĩ Hubert Jenny đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á đề nghị SAWACO tiến hành các giải pháp: chống thất thoát nước và đề xuất nghiên cứu xây dựng các hồ dự trữ nước thô (chưa qua xử lý) cho mùa khô. Ông Roland Liemberger, người có hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực quản lý nước thất thoát và đang làm cố vấn cho Công ty Maynilad (Philippines) chứng minh bằng con số: “Trung bình mỗi ngày, toàn châu Á thất thoát 78,3 triệu m³ nước sạch, trong đó khu vực Đông Nam Á (có Việt Nam) khoảng 13 triệu m³ nước. Tính chung, toàn châu Á mỗi năm thất thoát một lượng nước trị giá khoảng 8,6 tỷ USD”. Chính vì vậy, chống thất thoát nước trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành cấp nước không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn để phát triển bền vững.
Thạc sĩ Sytze Jarigsma, Giám đốc chương trình hỗ trợ của Công ty Vitens - Evides International cho biết, ở một đất nước nằm thấp hơn mực nước biển, ngành cấp nước Hà Lan cũng đã có rất nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn. Ngoài việc xây dựng các hồ dự trữ nước thô, tăng thêm các nguồn cung cấp nước ngọt, tiết kiệm năng lượng, ngành cấp nước Hà Lan còn thực hiện điều tiết nước ngọt đến rửa mặn ở những khu vực nước bị nhiễm mặn. Theo thạc sĩ Sytze Jarigsma, dự trữ nước thô, giải pháp không thể không làm đối với SAWACO và thực hiện càng sớm càng tốt.
Phát biểu bên lề hội nghị với các nhà báo, ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, vấn đề cốt lõi hiện nay trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an toàn nước, phải trồng và bảo vệ rừng. Rừng sẽ giúp giữ nước và điều hòa khí hậu. Như vậy, bên cạnh giải pháp cụ thể ngành cấp nước có thể triển khai ngay, các địa phương phải kịp thời có giải pháp phục hồi và phát triển rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn.
NG.KHOA