Châu Á - khu vực có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng trong thế kỷ 21 lại đang gặp không ít khó khăn để bảo vệ nguồn nước sạch. Theo East Asia Forum, nằm trong số này là Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, những quốc gia đang phải ra sức giữ nguồn tài nguyên quý từ thiên nhiên.
Nghiên cứu do Bertelsmann Foundation có trụ sở tại Đức thực hiện cho thấy các quốc gia đang phát triển ở châu Á thường có xu hướng ưu tiên tập trung phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường. Vấn đề môi trường, trong đó có nguồn nước, chỉ thật sự được chú ý sau khi các nước này đạt được mức tăng trưởng cao. Chính phủ các nước Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam đều đã bắt tay vào nhiệm vụ tạo ra các chính sách để bảo đảm an toàn nguồn nước.
Hoạch định chính sách và việc thực hiện đúng luôn là chuyện không dễ dàng. Ở Trung Quốc, dù đã hạn chế sự phát thải từ các nhà máy công nghiệp nặng nhưng ô nhiễm nghiêm trọng đã biến các nguồn nước trở nên thiếu an toàn. Nước này nhận được thang điểm 2/10 về chính sách môi trường từ Bertelsmann Foundation. Mặc dù đã ban hành đạo luật nhằm chống gây ô nhiễm nguồn nước từ năm 2008 với những quy định khắt khe hơn nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể cải thiện tình trạng nguồn nước. Xuất phát từ việc giám sát, thực hiện đều do chính quyền địa phương đảm nhận nhưng những địa phương này lại lưu tâm đến các lợi ích công nghiệp để cung cấp việc làm, phát triển kinh tế đã làm tình hình nghiêm trọng hơn. East Asia Forum nhận định, nếu không có những cải thiện mạnh mẽ trong vấn đề môi trường, vấn đề thiếu nước của Trung Quốc sẽ còn kéo dài.
Như Trung Quốc, Indonesia nhận điểm 2 trong số 10 về chính sách môi trường. Indonesia đã đăng ký thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm một nửa số người không được tiếp cận với nước sạch vào năm 2015. Bắt đầu từ những năm 1990, các công ty nước đã được tư nhân hóa để cải thiện việc cung cấp nước sạch cho người dân. Nhưng đến nay chỉ có hơn 40% dân số thành thị và gần 20% người dân ở khu vực nông thôn mới tiếp cận nước sạch do các công ty này đang gặp khó khăn tài chính. Indonesia đã giới thiệu một luật tài nguyên nước mới vào năm 2004, nhưng tham nhũng, quản lý yếu kém làm luật mới khó thực hiện có hiệu quả.
Tại Ấn Độ, quốc gia nhận thang điểm 5/10, cứ 8 người lại có 1 người vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch. Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đã được ghi vào hiến pháp Ấn Độ. Nước này đã ban hành chính sách nước của quốc gia vào năm 2012, mà một trong những biện pháp trong chính sách này là thành lập cơ quan quản lý nước quốc gia nhưng vẫn chưa thực hiện được. Dân số tăng nhanh, quản lý nguồn tài nguyên không hiệu quả, gây trở ngại cho việc bảo vệ nguồn nước sạch tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bertelsmann Foundation ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong những năm qua. Với số điểm 5/10, Việt Nam đang cố gắng tăng cường khuôn khổ chính sách quản lý môi trường, giới thiệu các văn bản chính sách cấp cao như Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường từ năm 2010. Nhưng việc sử dụng nhiều nguồn nước dành cho thủy lợi, công nghiệp và thủy điện đã gây ra một số vấn đề sức khỏe cho người sử dụng khi nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo East Asia Forum, để bảo vệ nguồn nước sạch không còn là bài toán khó, các nước châu Á cần có sự lưu tâm mạnh mẽ hơn, những chính sách quyết liệt hơn để bảo vệ nguồn tài nguyên này.
THANH HẰNG