Châu Âu đối mặt tác động dài hạn từ khủng hoảng năng lượng

Hội đồng châu Âu vừa đồng ý một loạt biện pháp nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, tuy vậy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Các chuyên gia cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể tác động dài hạn đến kinh tế và cả thể chế của Liên minh châu Âu (EU).

Gánh nặng của các Bộ trưởng Năng lượng

Các thành viên EU đã đạt được tiến bộ khiêm tốn tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) tuần qua trong nỗ lực áp dụng cách tiếp cận chung để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và cải cách thị trường năng lượng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận đây là “một chủ đề cực kỳ nghiêm túc, khó, phức tạp”. Vấn đề sẽ được các Bộ trưởng Năng lượng thảo luận ngày 25-10. Hội đồng châu Âu mong đợi những “quyết định cụ thể” khẩn cấp từ các bộ trưởng về cái gọi là hành lang giá năng động và một khuôn khổ tạm thời của EU để giới hạn giá khí đốt không tăng quá cao trong sản xuất điện.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, nếu các bộ trưởng không thể đạt được thỏa thuận, vấn đề này một lần nữa phải được các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên EU thảo luận. Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban  châu Âu Ursula von der Leyen giải thích cơ chế điều chỉnh thị trường mới sẽ hạn chế các đợt tăng giá khí đốt. Trường hợp không đạt thỏa thuận chung, phải có biện pháp đoàn kết về năng lượng khi nguồn cung cấp khí đốt ở cấp quốc gia, khu vực bị gián đoạn.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết, nước này sẽ chặn bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của EU nhằm vào Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho các công ty Hungary. Theo Tass, ông Gergely Gulyas khẳng định, Hungary không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, vì chúng không góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine và chỉ gây tổn hại cho chính các nước châu Âu. 

Tác động lớn

Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí đa quốc gia Shell, ông Ben Van Beurden, cảnh báo, việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ kéo dài tạo áp lực lớn lên các nền kinh tế châu Âu và sẽ gây ra nhiều áp lực cho hệ thống chính trị ở châu lục này. Theo ông, ngành công nghiệp châu Âu phải đối mặt với tác động lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng, thậm chí còn tồi tệ hơn những ảnh hưởng từ những diễn biến căng thẳng ở Ukraine. Ông Van Beurden đánh giá cao châu Âu đã giảm mức tiêu thụ năng lượng đáng kể sau khi mất đi 120 triệu tấn khí đốt mỗi năm từ Nga, nhưng việc giảm này phần lớn nhờ chuyển đổi ngành công nghiệp. 

Khủng hoảng năng lượng đang là nguyên nhân gây lạm phát cao khắp châu Âu. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ kéo theo làn sóng phản đối và đình công ngày càng tăng. Giá năng lượng đã khiến lạm phát tại 19 quốc gia sử dụng đồng EUR lên mức kỷ lục 9,9%. Hiện người dân các quốc gia này gặp nhiều khó khăn trong mua sắm mặt hàng thiết yếu.

Ở Romania, nhiều người đã tuần hành ôn hòa để nói lên sự thất vọng trước chi phí sinh hoạt tăng cao. Người lao động ở nhiều ngành của Pháp đã đình công để yêu cầu tăng lương theo kịp với lạm phát. Người dân ở CH Czech phản đối cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhân viên đường sắt Anh và phi công Đức ngừng làm việc để yêu cầu trả lương cao hơn khi giá cả tăng lên... 

Theo Công ty Tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (trụ sở tại Anh), hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng mạnh nguy cơ bất ổn dân sự ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, gửi vũ khí cho nước này và buộc phải cắt giảm sự phụ thuộc nền kinh tế của họ vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Nhưng quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng và có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng. Ông Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích tại Verisk Maplecroft nhận định: Không có cách nào khắc phục nhanh chóng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tin cùng chuyên mục