Đây là nhận định của tờ The Economist khi nói về việc châu Âu đang lúng túng tìm kiếm một chiến lược an ninh đối với Á châu. Theo tờ báo, trước những căng thẳng trên biển Đông gần đây do Trung Quốc gây ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng chỉ trích nhưng phản ứng chỉ dừng lại ở việc đưa ra thông cáo. Từ nhiều năm qua, trong nhiều hội nghị và tài liệu, châu Âu vẫn bị than phiền là không quan tâm đến vấn đề an ninh châu Á. So với kích thước, sức mạnh và mối quan hệ với châu lục này, nhiều người hy vọng EU sẽ đóng vai trò lớn hơn trong an ninh quốc phòng ở châu Á.
Tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề nghị châu Âu đóng một vai trò trước mối quan ngại lớn nhất trong khu vực: tình trạng căng thẳng do sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông. Ông Le Drian đề xuất rằng các chiến hạm châu Âu phối hợp với nhau để đảm bảo sự hiện diện càng thường xuyên và rõ rệt càng tốt, tại các vùng biển châu Á. Tuy nhiên, The Economist cho rằng, nếu bộ trưởng Pháp tham khảo các đồng nhiệm châu Âu khác trước khi phát biểu thì sẽ thuyết phục hơn, kẻo chỉ trở thành lời nói suông!
Châu Âu đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nội tại như khủng hoảng kinh tế, nạn nhập cư ồ ạt và nguy cơ Anh rời khỏi EU (Brexit). Và vì quá bận bịu với nhiều nỗi lo như vậy, châu Âu khó có thể quan tâm đến một châu Á đang trỗi dậy. Không chỉ vậy, EU lại còn vắng mặt trong 2 cơ chế quan trọng đối với ASEAN: Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ngoài 10 nước ASEAN còn có 8 nước khác và trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga). Sự hiện diện quân sự khiêm tốn của EU hiện nay tại châu Á lại không nhân danh khối mà là của 2 quốc gia thành viên. Pháp có 8.000 binh sĩ tại đây để bảo vệ các lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, còn Anh đóng quân ở Brunei và một số cơ sở ở Singapore.
Một điểm trừ nữa cho thấy vai trò châu Âu còn nhạt là khối này bị chia rẽ, không thể có tiếng nói chung. Các nhà ngoại giao ASEAN thường nói đùa là: Nước Anh với quyết tâm trở thành “người bạn tốt nhất của Trung Quốc tại châu Âu”, có thể thuận theo Bắc Kinh để cản trở sự đồng thuận của EU. Tương tự, một số quan chức EU lo ngại tiền bạc và những ưu đãi từ Bắc Kinh dành cho một số thành viên Đông Âu của EU có thể khiến các tuyên bố cứng rắn trở nên thiếu cương quyết hơn trong tương lai. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách lôi EU rời xa chính sách châu Á của Mỹ, và khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ EU, như đã từng làm với ASEAN và bị tố cáo là chia rẽ khối này. Thực tế, đã có hẳn tài liệu mới đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phê phán sự cạnh tranh giữa các thành viên EU để giành ưu đãi thương mại của Bắc Kinh.
The Economist kết luận, sự hiện diện quân sự của châu Âu tại biển Đông sẽ chứng tỏ điều quan trọng không phải chỉ là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là tương lai của một hệ thống toàn cầu dựa trên luật pháp. Châu Âu đang quên rằng châu Á cũng cần lục địa già như châu Âu cần đến châu Á.
ĐỖ CAO