Châu Âu những ngày tới

Châu Âu sẽ đi về đâu khi cuộc khủng hoảng người nhập cư vẫn chưa có giải pháp triệt để và sự bất bình đẳng đang gia tăng giữa các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)? Đây là nhận định chua chát của Bộ trưởng Kinh tế Italia Pier Carlo Padoan đưa ra tại một sự kiện do Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu vừa diễn ra tuần qua.

Theo ông Padoan, chính phủ các nước trong khu vực đã không làm đầy đủ và hết sức để giải quyết những vấn đề lớn của khu vực. Đối với cuộc khủng hoảng di cư, thì mối đe dọa ngày càng lớn đến từ nguy cơ sụp đổ Hiệp ước Schengen - từng là niềm tự hào của châu Âu - bởi vì một số nước đang bắt tay nhau áp dụng kiểm soát chặt chẽ biên giới bên ngoài đối với tất cả những người nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU).

Nếu Hiệp ước Schengen sụp đổ, thất bại này sẽ mang lại hậu quả tàn khốc hơn là cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung. Hơn 1 triệu người nhập cư đã vào châu Âu năm ngoái. Cuộc khủng hoảng di cư không phải là “cú sốc 1 lần” mà là “một sự thay đổi cơ cấu lớn sẽ ở lại với châu Âu lâu dài”. Liệu người ta có thể lắp đặt các hàng rào dây thép gai trên biển Địa Trung Hải hay Adriatic để ngăn người di cư không? Do đó, chỉ có thể hợp tác nhằm bảo vệ chặt chẽ các đường biên ngoại khối và xử lý chặt chẽ hơn các trường hợp nhập cư trái phép hoặc không phải vì tị nạn chiến tranh thì mới cứu được Schengen.

Với Eurozone, châu Âu đang vật lộn để thoát khỏi nỗi lo lắng về khoản nợ nần mà khu vực này đang mang đã gần như là nguyên nhân gây chia rẽ khối đồng tiền chung trong những năm gần đây. Italia ngập nợ nần đang vận động EU “thư thả” hơn cho ngân sách 2016 của họ, giúp họ quản lý dòng người di cư tràn vào và giữ đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực Eurozone sau 3 năm suy thoái.

Trong một kết luận hồi đầu tháng 5-2016, EC cũng cảnh báo rằng các quốc gia thành viên lớn như Pháp, Tây Ban Nha và Italia đang vi phạm những quy định về chi tiêu công của khối. Thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ ở mức tương đương 3,9% GDP trong năm 2016, không đạt chỉ tiêu dưới mức trần 3% mà EU đưa ra với các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Pháp cũng sẽ không hoàn thành được cam kết với EU về đạt mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP vào năm 2017. EC dự báo thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ ở mức 3,2% GDP nếu không thực hiện những cải cách mới.

Theo giới phân tích, tốc độ cải cách không đồng đều trong khu vực Eurozone đã làm cho chính sách tiền tệ siêu dễ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kém hiệu quả hơn trong vài trò thúc đẩy tăng trưởng. Trong một liên minh tiền tệ, nếu tốc độ cải cách khác nhau thì tác động của chính sách tiền tệ duy nhất buộc phải kém hiệu quả hơn.

Ngoài ra, một nước Anh tiến hành trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU vào ngày 23-6 tới sẽ là một “mối bận tâm có hệ thống” bởi vì các nước châu Âu khác cũng sẽ có những động thái xét lại tương tự. Brexit cũng sẽ giảm những lợi ích của sự hội nhập đối với phần còn lại của EU vì chi phí của Brexit lớn hơn lợi ích. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim từng cảnh báo, Brexit là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục