Hãng tin Deutsche Welle đưa tin lãnh đạo các Bộ Nội vụ 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) ngày 30-1 đã họp tại thủ đô Riga, Latvia để thông qua một kế hoạch phối hợp ngăn chặn nguy cơ khủng bố đối với toàn châu lục.
Kế hoạch tập trung vào 3 khía cạnh: kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại giữa các nước ký Hiệp ước Schengen, thông tin hành khách đi lại bằng đường hàng không và tăng cường các biện pháp an ninh mạng. Kế hoạch trên sẽ được các nhà lãnh đạo của EU thảo luận trong cuộc họp ngày 12-2 tới.
Bài toán PNR
Đến nay, tại châu Âu, các biện pháp chống khủng bố vẫn chủ yếu được thực hiện ở cấp quốc gia. Với kế hoạch này, lãnh đạo Nội vụ châu Âu muốn cải tổ sâu sắc các phương tiện kiểm soát an ninh. Trong số các giải pháp mới được các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu đề ra, đáng chú ý có PNR (Passenger Name Record-lưu trữ thông tin về hành khách của các hãng hàng không). Mỗi quốc gia sẽ có một PNR của mình và các PNR của 28 nước châu Âu sẽ được kết nối. Công cụ quý giá này cho phép cơ quan an ninh các nước theo dõi được sự di chuyển-ít nhất theo đường hàng không-của những người bị nghi ngờ có liên hệ với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Chính PNR đã từng giúp an ninh Mỹ phá vỡ được âm mưu khủng bố tại Quảng trường Thời đại, New York, ngày 1-5-2010. Kẻ chủ mưu đã bị nhận dạng, số điện thoại của người này đã được ghi lại trong cơ sở dữ liệu nói trên.
Tăng cường kiểm soát sân bay - một trong những biện pháp chống nguy cơ khủng bố.
Sau vụ tấn công vào tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo, Pháp muốn hệ thống PNR giữa các thành viên được triển khai nhanh chóng. Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đã có dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu PNR riêng và có thể bắt đầu hoạt động vào tháng 10 tới. Hiện mới có Anh và 14 quốc gia khác có PNR. Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Bernard Cazeneuve, cho biết sẽ tới Brussels để nối lại đối thoại với Nghị viện châu Âu (EP) về chủ đề này. Trước đó, một dự án PNR tương tự đã bị Ủy ban tự do dân sự của EP bác bỏ vì lo ngại xâm phạm quyền tự do cá nhân. Nếu EP không bật đèn xanh, một kế hoạch PNR chung của toàn châu Âu sẽ không thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, với nguy cơ khủng bố gia tăng cùng số lượng khoảng 3.000 công dân châu Âu đang có mặt tại Syria, chính phủ các nước EU hy vọng EP sẽ thay đổi quan điểm về PNR.
Kiểm soát biên giới khối Schengen
Một biện pháp quan trọng khác của kế hoạch ngăn chặn nguy cơ khủng bố là gia tăng kiểm soát biên giới của các quốc gia trong khối Schengen. Theo nguồn tin báo chí, kiểm soát ở đây không phải là lập lại các hàng rào biên giới bên trong khối 26 nước tham gia Hiệp ước Schengen mà là kiểm tra gắt gao hơn tại các điểm kiểm soát qua biên giới.
Với vấn đề an ninh mạng, các mạng xã hội cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Một số chương trình phần mềm phát hiện và ngăn cản việc phát tán các thông điệp, hình ảnh kêu gọi khủng bố hay tuyên truyền cho khủng bố đang được phát triển và sẽ được đưa vào ứng dụng. Trước đó, theo một tài liệu bị rò rỉ bởi Tổ chức chuyên giám sát quyền tự do dân sự tại EU Statewatch, Điều phối viên chống khủng bố của EU Gilles de Kerchove đang hối thúc Ủy ban châu Âu (EC) thông qua các điều luật yêu cầu các công ty điện thoại và Internet hoạt động tại lục địa già hợp tác với chính quyền địa phương trong việc điều tra và chống khủng bố bằng cách chia sẻ khóa mã hóa với các cơ quan chức năng. Thủ tướng Anh David Cameron đã đề xuất cấm các ứng dụng nhắn tin mã hóa sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Ngoài ra, an ninh châu Âu cũng sẽ theo dõi chặt hơn những môi trường cổ súy cho việc thanh niên theo đạo Hồi hướng đến xu thế cực đoan, cũng như các cơ sở tổ chức những chuyến đi đến vùng cận Đông, vùng Vịnh hay Afghanistan.
ĐỖ CAO (tổng hợp)