Châu Âu thử nghiệm sức mạnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Theo dự kiến, một chiến lược sơ bộ về sự chuyển hướng của Liên minh châu Âu (EU) sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được thông qua vào tháng 9-2021. Liên quan tới sự kiện này, trang mạng Warontherocks vừa có bài viết nhận định, đã đến lúc EU biến lời nói thành việc làm, thể hiện sức mạnh tập thể ở khu vực này.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Ấn Độ tháng 5-2021 thừa nhận tầm quan trọng chủ chốt của Ấn Độ trong khu vực
Hội nghị thượng đỉnh EU - Ấn Độ tháng 5-2021 thừa nhận tầm quan trọng chủ chốt của Ấn Độ trong khu vực

Năng lực và khả năng không đều

Theo bài viết nói trên, châu Âu nên can dự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì sự ổn định của khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng của châu Âu. 

Trước đó, các nước như Pháp, Đức và Hà Lan đã chủ động áp dụng các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Anh đã vạch ra các trụ cột của việc chuyển hướng sang khu vực này. 

Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức áp dụng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, công khai ủng hộ sự hiện diện chiến lược trong khu vực kể từ năm 2016. Lý do là Pháp có các lãnh thổ hải ngoại ở cả Ấn Độ Dương (La Réunion, Mayotte…) và Thái Bình Dương (New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp) và 93% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh và quần đảo Pitcairn ở Thái Bình Dương. Anh cũng có quan hệ lịch sử với khu vực thông qua Khối thịnh vượng chung và Hiệp ước phòng thủ ngũ cường với Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore. Ngoài ra, Anh có các tài sản quân sự trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (cho Mỹ thuê), cũng như các căn cứ và các cơ sở hỗ trợ và huấn luyện ở Oman, Bahrain, Singapore, Kenya và Brunei. 

Tuy vậy, đối với phần còn lại của châu Âu, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực chiến lược và liên kết với nhau, ít có ý nghĩa. 

Lập mặt trận thống nhất 

Hiện các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác kinh tế, chính trị và an ninh của họ ngoài Trung Quốc và đều thừa nhận tầm quan trọng chủ chốt của Ấn Độ. Trên thực tế, 27 quốc gia châu Âu đã tổ chức hội nghị cấp cao hiếm hoi với Ấn Độ hôm 8-5, trong đó tập trung vào thương mại, công nghệ và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Có lẽ, điều thú vị nhất đang diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự xuất hiện của các nhóm quốc gia ba bên, bốn bên và tiểu đa phương mới xung quanh các vấn đề hoặc giá trị cụ thể. Cho đến nay, Pháp là quốc gia khéo léo nhất trong cách tiếp cận, khi làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác song phương với các nước Nhóm Bộ tứ (Quad) và tham gia các dạng thức ba bên với Ấn Độ và Australia. Anh đã tìm cách phục hồi thỏa thuận quốc phòng đa phương của họ với Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore - Hiệp ước phòng thủ ngũ cường - mặc dù người ta còn ít biết các thông tin chi tiết. Trong báo cáo đánh giá tổng hợp của mình, London cũng đề xuất làm việc trong một mạng lưới gồm các đối tác và nhóm nước có cùng chí hướng. 

Sự quan tâm của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được các nước trong khu vực hoan nghênh. Tuy nhiên, mức độ can dự và sự hiểu biết về khu vực không đồng đều buộc các quốc gia thành viên châu Âu phải làm việc cùng nhau để tạo ra một mặt trận thống nhất và gắn kết thông qua thế mạnh tổng hợp của các thành viên. Các sáng kiến về cơ sở hạ tầng như chiến lược kết nối EU - châu Á, qua đó châu Âu có thể đóng góp thực sự cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã bị kẹt quá lâu ở Brussels. Nếu châu Âu không thể thực hiện những tính toán này, các chiến lược của họ sẽ vẫn là những con hổ giấy.

Tin cùng chuyên mục