Chầu chực bán khoai mì chạy lũ ở Thừa Thiên - Huế: Thương lái tung tin thất thiệt

(SGGP).- Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa thừa nhận hàng trăm ô tô tải chở mì nguyên liệu chầu chực bên ngoài nhà máy tinh bột mì Thừa Thiên - Huế, gây ách tắc giao thông hai bên đường quốc lộ 1A khu vực xã Phong An những ngày qua như Báo SGGP số ra ngày 28-9 đã phản ánh “Thừa Thiên - Huế: Chầu chực bán mì chạy lũ” là do tư thương lợi dụng mưa lũ, tung tin đồn thất thiệt làm người trồng mì hoang mang rồi ép giá kiếm lời 300.000 - 500.000 đồng/tấn.

(SGGP).- Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa thừa nhận hàng trăm ô tô tải chở mì nguyên liệu chầu chực bên ngoài nhà máy tinh bột mì Thừa Thiên - Huế, gây ách tắc giao thông hai bên đường quốc lộ 1A khu vực xã Phong An những ngày qua như Báo SGGP số ra ngày 28-9 đã phản ánh “Thừa Thiên - Huế: Chầu chực bán mì chạy lũ” là do tư thương lợi dụng mưa lũ, tung tin đồn thất thiệt làm người trồng mì hoang mang rồi ép giá kiếm lời 300.000 - 500.000 đồng/tấn.

Hiện CSGT trực tiếp phát phiếu thứ tự cho các tài xế ô tô lần lượt chở mì vào kho nguyên liệu nhà máy tinh bột mì. Chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà máy tinh bột mì Thừa Thiên - Huế đã liên hệ với một số nhà máy chế biến tinh bột mì ở các tỉnh lân cận nhằm san sẻ lượng mì ứ đọng. Ưu tiên mua mì nguyên liệu ở vùng thấp trũng từ 7 giờ đến 23 giờ hàng ngày, tạm ngưng thu hoạch mì ở những vùng chưa bị ảnh hưởng mưa lũ.

Tiếp đó, nhà máy tinh bột mì Thừa Thiên - Huế cử người về phối hợp chặt chẽ với UBND các xã cập nhật giá mì thường xuyên cho người trồng mì, tránh tình trạng bị ép giá. Sau ngày 7-10, việc thu hoạch và nhập mì của bà con trên địa bàn phải tuân chỉ đạo Phòng NN-PTNT các huyện căn cứ vào tình hình sản xuất của nhà máy tinh bột mì Thừa Thiên - Huế.

Tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… nông dân cũng ào ạt thu hoạch mì chạy lũ khiến nhiều nhà máy trên địa bàn không kịp thu mua. Nhiều nông dân thu hoạch mì chở đến cổng nhà máy đã hơn 3, 4 ngày vẫn chưa được thu mua. Trong khi đó, giá mua mì lại giảm gần một nửa.

Ông Đoàn Thanh Trung, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Chế biến tinh bột mì Sông Hinh, cho biết: Công suất hoạt động của công ty là 450 tấn củ tươi/ngày, trong khi đó những ngày qua sản lượng mì vận chuyển về công ty từ 700 - 800 tấn/ngày. Tỉnh Quảng Ngãi cũng diễn ra tình trạng tương tự, Nhà máy mì Tịnh Phong hoạt động hết công suất cũng chỉ giải quyết được 800 tấn/ngày, trong khi mỗi ngày có đến 2.000 tấn mì nguyên liệu được chở về đây.

Được biết, trong những năm gần đây do giá thu mua mì tăng cao nên diện tích trồng mì tại các tỉnh miền Trung cũng được mở rộng lên rất nhiều như tỉnh Phú Yên đã lên trên 20.000ha, Quảng Ngãi hơn 16.000ha, Bình Định 13.000 ha…

V.Thắng - H.Trọng

Tin cùng chuyên mục