Tổng cục An ninh Bộ Công an và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt, khám xét khẩn cấp 3 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo chạy dự án nông thôn mới. Với vỏ bọc Tập đoàn Xây dựng Việt Nam - Cuba, các đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng 300 xã thuộc 20 tỉnh, thành phố trong nước.
Từ trước đến giờ đã có nhiều đường dây lừa đảo dịch vụ chạy dự án bị phanh phui. Vậy có đường dây dịch vụ chạy dự án thật không? Ai cũng biết là có các đường dây dịch vụ chạy dự án vẫn tung hoành lâu nay.
Tại sao phải “chạy” mới có dự án? “Chạy” có hiệu quả không? Có thể nói “chạy” là sản phẩm của xin - cho, ai chạy thì mới có phần, ai ù lì không năng động thì sẽ không có gì. Trong thực tế đời sống, quan hệ giữa chính quyền và công dân, chuyện “chạy” thủ tục cũng đã tồn tại từ lâu. Chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà, để minh bạch quy trình xử lý công việc, nâng cao đạo đức công chức, tìm mọi biện pháp để tăng tính minh bạch, tính giải trình của chính quyền, xã hội hóa dịch vụ công... để giảm dần, tiến đến triệt tiêu việc “chạy” thủ tục trong quan hệ chính quyền và công dân. Nhưng việc “chạy” dự án vẫn không kém phần phức tạp. Chính đây là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng. Xét vấn đề một cách công bằng, ta cũng thấy có một phần bức xúc của chính quyền địa phương, muốn tranh thủ có được dự án để thay đổi chút ít nào đó đời sống của nhân dân. Nhưng tư tưởng trục lợi cá nhân, ăn theo dự án không phải là không có, kích thích cho sự tích cực “chạy”. Có những địa phương cử đại diện ôm sẵn tiền nằm ở xung quanh cơ quan ban phát, nghe ngóng thông tin để chạy.
Những địa phương là nạn nhân của đường dây chạy dự án lừa đảo chẳng qua do tin nhầm đối tượng. Bọn lừa đảo đã mô phỏng một cách chính xác những tình huống có thật trong thực tế. Đó là điều đáng suy nghĩ để chấn chỉnh.
DIỆP VĂN SƠN