Không còn là một khái niệm quá mới ở Việt Nam, thậm chí điện toán đám mây (cloud computing) đang thực sự là xu hướng mà rất nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) quan tâm. Thời gian gần đây, những tên tuổi lớn của thế giới như Microsoft, Cisco, IBM, HP, Intel… đều đã công bố cụ thể cho các đề án phát triển điện toán đám mây của mình ở Việt Nam.
Theo ông Andrew Pickup, Tổng Giám đốc tiếp thị Microsoft châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là thị trường thú vị để triển khai các giải pháp của điện toán đám mây. Nếu ứng dụng tốt điện toán đám mây, đó sẽ là giải pháp thích hợp để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển nền CNTT trong nước. Vì thế, Microsoft mong đợi các doanh nghiệp, Chính phủ cũng như người dùng Việt Nam sẽ triển khai công nghệ điện toán đám mây phù hợp với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Cả lãnh đạo Cisco, IBM, HP, Intel... đều có những chia sẻ tương tự.
Điều đó đồng nghĩa với việc họ đang mong đợi Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng điện toán đám mây để phát triển lĩnh vực CNTT-TT, vốn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay của đất nước. Và tất nhiên, muốn làm điều đó cần phải mua công nghệ, giải pháp của họ. Không phải ngẫu nhiên mà trong khoảng 2 tháng qua, gần 10 cuộc hội thảo với chủ đề điện toán đám mây của các hãng nói trên diễn ra ở Việt Nam.
Vậy điện toán đám mây mang lại lợi ích gì? Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp CNTT-TT với nhiệm vụ triển khai đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT vừa diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định mô hình điện toán đám mây chắc chắn sẽ là lựa chọn của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Thông tin - Truyền thông đang nghiên cứu và xem xét để có những quy định, chính sách thúc đẩy được ứng dụng mô hình điện toán đám mây. Đây là một hình thức tiết giảm chi phí mà các cơ quan, doanh nghiệp có thể lựa chọn trong quá trình ứng dụng CNTT của mình.
Ông Hà Thái Bảo, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và truyền thông (NEO), cho biết nếu triển khai ứng dụng CNTT theo mô hình truyền thống, tính trung bình mỗi đơn vị hành chính sự nghiệp tốn gần 6.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, nếu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây sẽ tiết kiệm khoảng 80% chi phí vận hành.
Vậy tại sao các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước Việt Nam vẫn e ngại điện toán đám mây? Lý do cơ bản là các doanh nghiệp vẫn lo ngại mất kiểm soát dữ liệu, thông tin bị lộ – thứ tài sản giá trị hàng đầu quyết định sinh mệnh của doanh nghiệp. Đó chính là lý do mà các hãng công nghệ nói trên liên tiếp tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu và làm thay đổi nhận thức về vấn đề này.
Qua khảo sát cho thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang sử dụng mô hình kết hợp giữa điện toán đám mây và hạ tầng riêng. Dần dần, sau một thời gian cảm thấy tin tưởng mới “giao phó” những dữ liệu quan trọng hơn để cắt giảm chi phí. Ngay các doanh nghiệp Việt Nam như FPT, BKAV, NEO, CMC... cũng bắt đầu triển khai và phát triển các dự án điện toán đám mây của mình. Thị trường vẫn gần như đang bỏ ngỏ và cuộc đua về việc bán “đám mây” vẫn đang diễn ra.
TRẦN LƯU