Chạy đua... lên Mặt Trăng

Chạy đua... lên Mặt Trăng

Những nước và khu vực có ngành không gian phát triển mạnh như Mỹ, Nhật, châu Âu và Trung Quốc thời gian gần đây rộ lên phong trào đưa ra các kế hoạch riêng biệt nhưng cùng chung mục đích: lăm le chinh phục Chị Hằng!

Chạy đua... lên Mặt Trăng ảnh 1
Mô hình căn cứ trên Mặt Trăng của Nhật Bản.

Trước nhất phải kể tới Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) mạnh dạn chi hẳn 104 tỷ USD với tham vọng đưa các phi hành gia vũ trụ quay lại chinh phục Mặt Trăng vào năm 2020, sau đó xây dựng 1 căn cứ vững chắc và lấy nó làm bàn đạp để tiến tới đích xa hơn là chiếm lĩnh hành tinh đỏ Hỏa Tinh. Kế hoạch của NASA dự kiến như sau:

- Năm 2009: thử nghiệm bước đầu một trong các tàu vũ trụ sẽ lên Mặt Trăng.

- Năm 2014: thực hiện chuyến bay thử có người lái đầu tiên bằng tàu con thoi kiểu mới Orion, tuy nhiên tàu này chưa đáp xuống Mặt Trăng.

- Năm 2018: NASA phát triển robot hỗ trợ thám hiểm Mặt Trăng.

- Năm 2020: NASA sẽ dùng tên lửa đẩy kiểu mới, đưa 4 phi hành gia lên Mặt Trăng và người này sẽ “sống” với Chị Hằng 1 tuần. Đến năm 2024 sẽ xây dựng 1 căn cứ ở vùng địa cực, tới lúc đó con người có thể sống trên Mặt Trăng được khoảng 6 tháng.

Kế đến là Trung Quốc – Sau thành công rực rỡ từ các chuyến bay vào vũ trụ của tàu Thần châu 4 và Thần châu 5 mang theo người lái – không chịu kém cạnh cũng tuyên bố đang thực hiện chương trình đưa người lên “đi bộ” trên Mặt Trăng vào năm 2024 với kinh phí ban đầu ước tính là hơn 30 tỷ USD dùng để nghiên cứu và phát triển tên lửa đẩy Trường Chinh 3.

Chương trình thám hiểm mang tên Thường Nga sẽ bắt đầu bằng việc phóng vệ tinh Thường Nga 1 nặng 2 tấn vào quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 3 – 2007. Vệ tinh này sẽ bay trong quỹ đạo khoảng 1 năm, ghi lại những hình ảnh bề mặt, nghiên cứu sóng ngắn và đo độ dày của đất trên Mặt Trăng.

Nhật Bản – nổi tiếng bởi công nghệ robot – lại có hướng đi riêng, Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) tiết lộ họ đã chi 30 tỷ USD để phóng tàu thăm dò vào quỹ đạo Mặt Trăng, sau đó dùng tàu vũ trụ có robot đi “tiền trạm” thăm dò, lấy mẫu vật địa chất…

Khi đã nắm rõ địa hình cũng như tình trạng môi trường sống của Chị Hằng, tới năm 2020 Nhật Bản cũng sẽ đưa các “tay chơi” của mình tới chinh phục “người đẹp” Trăng! Tiếp đến, họ cũng sẽ xây dựng căn cứ trong khoảng 10 năm để đưa người lên chiếm lĩnh các vùng đất hoang sơ của Mặt Trăng.

Mặt trăng ở gần trái đất hơn nhiều, so với Sao Hỏa. Mặt Trăng có thể được dùng làm phòng thí nghiệm cho các kỹ thuật thám hiểm vũ trụ trong tương lai. Còn một lý do khác là trên Mặt Trăng có rất nhiều tài nguyên có thể rất quý giá đối với việc phát triển một nền kinh tế không gian mới, và về sau có thể thực sự sản xuất một số sản phẩm hữu ích cho con người trên Trái Đất. Vì trọng lực của Mặt Trăng chỉ bằng 1/6 của trọng lực trên trái đất, các cuộc phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn.

LÊ THẾ HÀM

Tin cùng chuyên mục