Chạy đua… với lũ

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nước lũ đổ về nhiều, cao hơn cùng kỳ từ 40-70cm. Nước bắt đầu tràn đồng, báo hiệu nhiều khả năng có một mùa “lũ đẹp”, hứa hẹn thuận lợi cho cuộc mưu sinh của người dân vùng lũ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo sạt lở ven sông khi hàng ngàn hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm chưa được dời đến nơi an toàn.
Chạy đua… với lũ

Vùng đầu nguồn ĐBSCL

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nước lũ đổ về nhiều, cao hơn cùng kỳ từ 40-70cm. Nước bắt đầu tràn đồng, báo hiệu nhiều khả năng có một mùa “lũ đẹp”, hứa hẹn thuận lợi cho cuộc mưu sinh của người dân vùng lũ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo sạt lở ven sông khi hàng ngàn hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm chưa được dời đến nơi an toàn.

Làng lưới Thơm Rơm (Cần Thơ) hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.

Làng lưới Thơm Rơm (Cần Thơ) hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.

Làng nghề nhộn nhịp theo nước lũ

Những ngày trung tuần tháng 8, khi con nước lũ bắt đầu tràn đồng ở khu vực đầu nguồn như báo hiệu mùa lũ đã về ĐBSCL. Đây cũng là lúc các làng nghề hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Làng lưới Thơm Rơm, nằm cập quốc lộ 91, thuộc phường Tân Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ), những ngày này tăng cường sản xuất như một công xưởng. Nơi đây có 20 cơ sở, tạo việc làm cho 400 lao động và hàng trăm hộ dân tại địa phương nhận hàng về gia công tại nhà. Hàng chục năm qua, với chất lượng tốt và giá rẻ, nơi đây trở thành trung tâm cung ứng các loại lưới đánh bắt cá phục vụ mùa lũ cho cả khu vực ĐBSCL.

Bà Nguyễn My Loan, chủ cơ sở lưới My Loan, phấn khởi nói: “Thời điểm này nước lũ cao hơn năm trước mấy tấc là tín hiệu vui vì lượng cá về nhiều nên lưới bán chạy. Cả tuần nay, các cơ sở ở đây làm gần như sáng đêm nhưng vẫn không kịp giao hàng. Hiện tại cơ sở của chúng tôi có 20 lao động. Mỗi lao động thu nhập khoảng 100.000-200.000 đồng/người/ngày. Để kịp giao hàng, 25 hộ gia đình trong khu vực còn đem hàng về gia công”.

Nguồn cá linh dồi dào mùa lũ. Ảnh: Bình Đại

Nguồn cá linh dồi dào mùa lũ. Ảnh: Bình Đại

Cùng thời điểm này, làng nghề đan lọp tép, lọp cua đồng với gần 70 hộ dân nằm cập sông Hậu thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đang vào cao điểm ăn nên làm ra. Đặc biệt, sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang Campuchia. Cua đồng do người dân bên đó bắt, xuất ngược sang Việt Nam, phục vụ khắp các tỉnh ĐBSCL, TPHCM và Hà Nội. Ông Trần Văn Năm, nhiều năm làm nghề đan lọp cua, nói: “Mấy ngày nay, bên Campuchia nước lũ lên cao nên người dân các tỉnh Kan Đal, Tà Keo sang đây mua lọp nhiều lắm. Mỗi ngày nhà tôi làm gần 150 cái lọp nhưng không đủ bán. Khi nước ở vùng ĐBSCL lên cao thì mình làm ra bán cho dân đánh bắt trong vùng với giá 35.000 đồng/cái, sau khi trừ các khoản chi phí còn lời 15.000-17.000 đồng/cái. Năm nào có lũ, làm nghề này sống cũng được”.

Hiện các làng nghề sống theo mùa lũ như: làng lọp cá linh ở xã Phước Hưng, huyện An Phú (An Giang); làng nghề lưỡi câu Mương Thi, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang), làng xuồng Năm Quăng (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang); các làng nghề sản xuất lú, lờ, lọp, vó, bẫy chuột… ở Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) cũng đang chạy đua khi mực nước đầu nguồn tăng từng ngày, hứa hẹn một mùa lũ bội thu.

Đánh bắt cá ở vùng đầu nguồn ĐBSCL. Ảnh: Bình Đại

Đánh bắt cá ở vùng đầu nguồn ĐBSCL. Ảnh: Bình Đại

Dân vùng sạt lở sống trong lo sợ

Xuyên qua vùng đầu nguồn lũ, chúng tôi chứng kiến nỗi lo của hàng ngàn hộ dân nghèo sống trong vùng sạt lở nguy hiểm, nhưng chưa được di dời vào nơi an toàn. Từ quốc lộ 30, chúng tôi xuống chiếc trẹt nhỏ để qua dãy Cù lao 5 xã (Tân Bình, Tân Hòa, Tân Quới, Tân Long, Tân Huề) thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Cù lao này nằm cheo leo giữa sông Tiền, dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết. Nơi đây là điểm nóng nhất tỉnh Đồng Tháp về tình trạng sạt lở. Từ xã Tân Bình đã thấy dãy cù lao bị nước xoáy tạo thành nhiều hàm ếch sâu hoắm, lỏm chỏm… Con đường nhựa là trục lộ giao thông chính của xã nhưng suốt chiều dài 4km của nó đều mang đầy thương tích, nhiều đoạn đã bị trôi hoàn toàn xuống sông. Người dân cho biết, đó là hậu quả của những trận lở kinh hoàng mấy năm nay, cuốn theo hàng trăm căn nhà, đất đai, hoa màu trôi theo nước.

Ông Lê Thành Tâm, 54 tuổi, ở ấp Tân Phú, xã Tân Bình than vãn: “Nhà cửa đổ xuống sông hết rồi, 2 năm qua, gia đình tôi gồm 7 nhân khẩu phải cất chòi ở tạm trên đất người thân. Không thể hình dung nổi, cách đây mấy năm, từ con lộ này ra tới mé sông Tiền từ 50m đến cả trăm mét, vậy mà sạt lở cuốn đi hết. Mấy ngày qua, khi nước lũ về nhiều, tại khu vực này đã bị ăn sâu vào bờ 5-7m”. Cùng cảnh khó, bà Lê Thị Hằng (50 tuổi) lo lắng: “Vợ chồng tôi dành dụm và vay mượn hơn 100 triệu đồng để xây lại căn nhà, mới ở được hơn 2 năm thì nước lũ cuốn trôi tất cả. Bây giờ, 2 vợ chồng cùng 3 đứa con phải mượn chuồng bò của người thân ở tạm qua ngày”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn xã Tân Bình hiện có 2.270 hộ dân; trong số đó có 254 hộ bị sạt lở cuốn trôi nhà cửa, còn 239 hộ đang sống trong vùng sạt lở nguy hiểm nhưng chưa được di dời đến nơi an toàn…

Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện còn khoảng 4.000 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, trong số này có 2.000 hộ ở khu vực nguy hiểm cần sớm di dời nhưng địa phương không có khả năng, rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Chương trình xây dựng 46 cụm, tuyến cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 của tỉnh Đồng Tháp đang chạy đua với lũ. Đến nay, các công trình hạ tầng thiết yếu của 46 cụm tuyến đã hoàn thành hơn 70%, bố trí 6.071 hộ dân vào sinh sống, trong tổng nhu cầu 14.231 hộ. Trong khi 42 cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 của tỉnh An Giang đã đưa được 51% trong tổng số 9.271 hộ vào sinh sống. An Giang còn khoảng 6.000 hộ dân đang sống trong vùng sạt lở nguy hiểm phát sinh sau cơn lũ năm 2011, không nằm trong diện bố trí vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2, hiện không có nơi di dời.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục