Nga và Mỹ - hai cường quốc quân sự trên thế giới - đang ráo riết chạy đua trang bị một loại vũ khí đặc biệt, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cơ động cao như máy bay chiến đấu; tên lửa đạn đạo có thể lắp đặt trên máy bay hay các phương tiện khác; vũ khí đầy triển vọng cho máy bay không người lái siêu thanh trong tương lai… Đó là vũ khí laser.
Đốt cháy mục tiêu
Công việc nghiên cứu sẽ bắt đầu vào năm 2013. Bộ Quốc phòng Nga đã giao việc phát triển vũ khí laser cho tập đoàn phòng không Almaz-Antei, tổ hợp khoa học - kỹ thuật Taganrog (TANTK) mang tên Beriev và Công ty Khimpromavtomatika tiến hành. Trên thực tế, hệ thống mới được phát triển này dựa trên hệ thống Sokol Eshelo bao gồm hệ thống laser 1LK222 được lắp đặt trên máy bay A-60 (phát triển dựa trên máy bay vận tải Il-76 từng được Liên Xô sử dụng). Dự án đó mang tên Drift liên quan đến vũ khí không gian, chống vệ tinh. Vào những năm 1980, hệ thống laser 1LK222 trên A-60 với tầm bắn 40km đã từng được sử dụng trong các thí nghiệm để chống lại các khinh khí cầu. Hàng loạt các thí nghiệm 1LK222 vào thời điểm đó cho thấy hệ thống này không có khả năng tiêu diệt mục tiêu nhưng lại có thể làm mù các bộ phận dẫn đường của tên lửa và tạm thời làm tê liệt các hệ thống quang học của các vệ tinh trên tất cả các quỹ đạo.
1LK222 tiếp tục được phát triển và hoàn thành vào năm 2009. Ngày 28-8-2009, một cuộc thử nghiệm toàn diện với hệ thống vũ khí laser đã được thực hiện với mục tiêu là một tàu vũ trụ ở quỹ đạo cách mặt đất 1.500km. Nhưng một lần nữa, khả năng phá hủy lại thất bại. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm khả năng dò tìm các tín hiệu từ tàu vũ trụ. Đây cũng được xem là một thành công bởi việc xác định chính xác mục tiêu trong không gian cũng vô cùng quan trọng. Khi đó, nghiên cứu về 1LK222 được đánh giá là triển vọng. Tuy nhiên, dự án này đã bị tạm đình chỉ vào năm 2011 do thiếu kinh phí, thiết bị laser đã bị tháo gỡ một phần khỏi A-60.
Với quyết định cấp lại kinh phí của Bộ Quốc phòng Nga, công tác thiết kế - thử nghiệm được nghiên cứu ở trình độ kỹ thuật cao hơn. Các đơn vị của Nga tham gia dự án dự định sẽ lắp hệ thống quang học với laser mạnh hơn lên A-60. Ngoài ra, A-60 cũng sẽ được nâng cấp toàn bộ do máy bay đã không bay trong 2 năm nay. TANTK Beriev dự tính nâng cấp A-60 trong năm 2013. Lúc đó, họ sẽ cùng Almaz-Antei lắp đặt lên máy bay các cụm mới của hệ thống laser 1LK222.
Laser 1LK222 là nền tảng cho các hệ thống vũ khí phòng không - không gian. Trên cơ sở 1LK222, Almaz-Antei và Khimpromavtomatika sẽ hợp tác chế tạo hệ thống vũ khí laser mới ưu việt hơn, mạnh hơn để đạt được mục đích đặt ra: tiêu diệt các mục tiêu bay.
Trong dự án mới, Khimpromavtomatika phụ trách phát triển laser, còn Almaz-Antei phụ trách các hệ thống điều khiển và dẫn đường. “Laser sẽ đốt cháy kẻ địch bằng cách phát ra năng lượng nhiệt cao. Nó có khả năng hoạt động trong nhiều loại môi trường. Laser đang được xem như loại vũ khí triển vọng cho các máy bay không người lái siêu thanh hay phương tiện khác...”, báo Izvestia cho biết.
Hải quân Mỹ được trang bị đầu tiên?
Cũng giống như Nga, Mỹ đã phát triển vũ khí laser chiến lược từ đầu những năm 1980. Tổng thống Mỹ thời điểm đó Ronald Reagan đã đẩy mạnh chính sách quốc phòng chiến lược, rót tiền vào khá nhiều dự án, trong đó có việc thử nghiệm thành công vũ khí laser ở cấp độ thấp được trang bị trên xe tăng KC-135. Năm 1985, một khẩu pháo laser phòng không của Mỹ đã bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo. Sau đó, Mỹ cũng cho lắp đặt vũ khí laser trên máy bay vận tải cải tiến Boeing 747-400F. Tháng 2-2010, hệ thống này đã tiêu diệt được 2 tên lửa đạn đạo ở giai đoạn bắt đầu tăng tốc. Tuy nhiên, hai thử nghiệm sau đó đã thất bại. Năm 2011, Lầu Năm Góc đã xác định dự án này không thể ứng dụng trong thực tế và tốn kém. Tháng 2-2012, máy bay mang vũ khí laser đã được chuyển đến căn cứ không quân Davis Monthan ở Arizona - nơi được ví như là nghĩa địa máy bay - cất giữ.
Tuy nhiên, tháng 10-2012, chuẩn Đô đốc Matthew Klunder, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu của Hải quân Mỹ (ONR) lại thông báo một quyết định gây bất ngờ là dự kiến triển khai các loại vũ khí laser cho hải quân Mỹ trong 2 năm tới. Loại vũ khí mà chuẩn Đô đốc Klunder nói đến là mẫu pháo laser có khả năng bắn hạ các máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tàu cao tốc. Theo ông Klunder, các loại vũ khí trên đã vượt qua được mọi cuộc kiểm tra vật lý, phần còn lại chỉ là tích hợp các hệ thống với nhau.
“Tôi chỉ cần biết rằng trên con tàu hải quân đặc biệt này, yêu cầu điện năng là như thế nào và làm thế nào để tích hợp được hệ thống cung cấp năng lượng và hệ thống vũ khí laser”, ông Klunder nói. Người đứng đầu ONR khẳng định, những vụ thử nghiệm đã “rất thành công” và cho rằng hải quân Mỹ đã đến lúc ứng dụng bản mẫu bắn hạ máy bay không người lái.
Hiện rất nhiều ý kiến cho rằng nếu vũ khí laser phát triển đến mức độ cao và được đưa vào sử dụng rộng rãi, một cuộc chiến tranh theo kiểu phim Star War của Hollywood không còn là điều viễn tưởng.
Đỗ Cao (tổng hợp)