Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 được tổ chức (6-11). Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút cuối cùng mang tính quyết định thắng thua giữa các ứng cử viên.
Sau các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, các ứng cử viên lập tức lao vào cuộc vận động ở những địa bàn được cho là cần phải giành giật từng lá phiếu. Trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, các bang Iowa, Colorado, Nevada, Florida, Virginia và Ohio sẽ quyết định 270 phiếu đại cử tri có ý nghĩa quyết định thắng thua đối với các ứng cử viên tìm đường vào Nhà Trắng.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Obama cũng dẫn điểm ông Romney tại các bang được cả hai bên xác định là “sống còn” như Ohio, Florida và Virginia. Các ứng cử viên của các đảng từng giành được ghế ông chủ Nhà Trắng đã giành chiến thắng tại ít nhất hai trong ba bang này. Ông Obama, trong chiếc Air Force One, sẽ tranh thủ ngủ trên máy bay trong hành trình từ Las Vegas tới Tampa tối thứ tư. Kết quả thăm dò ngày 24-10 của ABC News/Washington Post cũng cho thấy kết quả ông Romney đang tạm dẫn ông Obama với tỷ lệ sát nút 49%-48%.
Với kinh nghiệm lãnh đạo nước Mỹ trong nhiệm kỳ thứ nhất và sự trẻ trung hơn so với đối thủ, đương kim Tổng thống Obama quyết tâm khẳng định vị thế của mình trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Từ ngày 24-10, ông Obama đã bắt đầu hành trình qua 8 bang dài 12.300km trong chỉ 40 giờ, một màn trình diễn của sự tự tin trong các “chiến trường” chính sẽ quyết định cuộc bầu cử. Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế kéo dài chính là “gót chân Asin” của ông Obama mà Romney không ít lần khai thác, ngay cả trong cuộc tranh luận về vấn đề đối ngoại hôm 23-10.
Theo kinh nghiệm rút ra từ những kỳ bầu cử trước, chính sách đối ngoại không được xem là yếu tố quyết định, bởi các cử tri vẫn bị ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế ảm đạm. Mặt khác, trên bình diện đối ngoại thời Obama, nước Mỹ cũng không còn chiếm ưu thế tuyệt đối trên các “mặt trận”. Thế đơn cực ngày càng giảm dần, một nước Mỹ “siêu cường” vẫn cần phải tìm kiếm thêm đồng minh, liên minh mới để thực hiện chiến lược toàn cầu của Washington trong thế kỷ 21.
Với ông Romney, có lẽ đây là “cơ hội cuối cùng” để bước lên đỉnh cao quyền lực trên chính trường Mỹ, bởi năm nay ông đã 65 tuổi. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần trước, năm 2008, Romney chạy đua cho đề cử của đảng Cộng hòa, nhưng đã thất bại trước ứng cử viên nổi tiếng hơn là John McCain trong bầu cử sơ bộ và họp kín của đảng Cộng hòa.
Lần này, được sự ủng hộ nồng nhiệt của không ít cử tri, trong đó có nhiều người da trắng và giới giàu có, ông Romney có lúc đã vượt lên ông Obama trong một số cuộc thăm dò dư luận. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 vì thế có vẻ đầy kịch tính. Phe Cộng hòa và chính ông Romney đang cố dồn hết sức mình cho cuộc chạy đua và cố tỏ ra tự tin về một chiến thắng oanh liệt trước ngày bầu cử.
Nhưng cách đây không lâu, có một sự phân tích của tờ Diplomat đã cho rằng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 có vẻ đã ngã ngũ. Theo góc nhìn này, dù Romney có xuất sắc đến đâu trong những ngày tới, giới truyền thông có thêu dệt về các kịch bản đầy kịch tính đến mấy thì một phép toán đơn giản cũng chỉ ra thực tế rằng Obama đã thắng cử. Vấn đề then chốt là sau cùng, ứng cử viên nào cứ về nhà với 270 phiếu đại cử tri cần thiết là sẽ thắng cử.
Và nếu theo cách tính đó, cuộc bầu cử tổng thống không hề giống như giới truyền thông đang mô tả. Theo cách tính trung bình trong các thăm dò dư luận quan trọng ở mỗi bang, nếu như bầu cử diễn ra vào thời điểm này, ông Obama có thể giành 332 phiếu đại cử tri; thừa 62 phiếu và hơn 126 phiếu so với ông Romney (206 phiếu)…
Tuy nhiên, thực tế có lẽ không đơn giản như vậy. Nếu không, đương kim Tổng thống Mỹ đã chẳng phải tất bật và lao tâm khổ tứ vì nhiệm kỳ hai như thế để bảo đảm cho một chiến thắng cuối cùng. Mặc dù chiếm ưu thế đương quyền, ông Obama và phe Dân chủ không quên những “sự cố” phiếu bầu dẫn đến chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa G.W. Bush (Bush con) hồi năm 2000.
NGUYỄN KHẮC ĐỨC