Ngành thể thao Việt Nam sẽ “nói không với bệnh thành tích” - khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trong buổi họp báo giới thiệu về Đại hội TDTT lần thứ 7 khai mạc vào hôm nay 6-12.
Tuy nhiên, khi chưa đến ngày chính thức đại hội khai mạc, những dấu hiệu của “bệnh thành tích” đã xuất hiện, bắt đầu từ việc “quy đổi huy chương” khi điều lệ của đại hội cho phép các huy chương vàng (HCV) Asiad 2014 và SEA Games 2013 được quy đổi sang HCV tại đại hội. Ngoài ra, còn có cả những HCV “khuyến mãi” dành cho các cá nhân đã đoạt huy chương tại các môn đồng đội cấp quốc tế. Theo ngành thể thao, việc quy đổi này nhằm khuyến khích các địa phương tập trung đầu tư trọng điểm các môn thể thao có thành tích nổi bật, qua đó cung cấp lực lượng VĐV có đẳng cấp quốc tế cho nước nhà.
Mục đích tốt đẹp của việc quy đổi nêu trên chưa thấy, trước mắt đã thấy thiếu sự thuyết phục. Năng lực của thể thao được đánh giá trên thành tích thi đấu cụ thể chứ không thể tính theo kiểu “ước lượng” như vậy. Đây là lý do trước khi dự các giải đấu quốc tế, các VĐV phải chứng tỏ phong độ của mình ở những giải VĐQG để được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia. Không ai lại lấy thành tích trước đó để quy đổi thành năng lực hiện tại.
Ví dụ, trong một nội dung, VĐV từng đoạt huy chương tại SEA Games năm trước có thể thi đấu kém hơn nhiều VĐV của các địa phương khác ở thời điểm hiện tại, thế nhưng địa phương của VĐV đó lại nghiễm nhiên có 1 HCV nhờ “quy đổi”. Như vậy, cùng 1 môn thi ở đại hội mà có đến 2 HCV với thông số kỹ thuật có thể khác nhau. Một trường hợp khác, HCB tại Asiad 2014 được quy đổi thành 2 HCV tại đại hội, thế nhưng nếu có VĐV khác thi đấu đạt thành tích cao hơn thành tích đã có ở Asiad 17 thì có phải là thiếu công bằng hay không? Cụ thể như trường hợp HCV Asiad của VĐV Dương Thúy Vi (Hà Nội) đương nhiên được quy đổi thành 3 HCV tại đại hội, trong khi ở môn này, trình độ của VĐV rất gần nhau, quá trình chấm điểm dựa nhiều vào cảm tính chứ không có những thông số chứng minh đẳng cấp rõ ràng.
Đại hội TDTT toàn quốc với chu kỳ tổ chức 4 năm/lần được xem là cơ sở để đánh giá năng lực của các địa phương trong việc phát triển các môn thể thao đỉnh cao. Tuy nhiên, tất cả các đánh giá lại đều dựa trên bảng tổng sắp huy chương. Chưa thi đấu, đoàn Hà Nội đã có gần 100 HCV nhờ các huy chương quy đổi, đương nhiên là đoàn mạnh nhất. Các đoàn khác muốn có huy chương, bắt đầu thực hiện hàng loạt biện pháp “săn” HCV. Từ việc gọi các ngôi sao thể thao đẳng cấp về thi đấu cho đến việc ký hợp đồng ngắn hạn, mượn VĐV “dôi dư” từ đơn vị bạn... Theo điều lệ đại hội thì mỗi VĐV chỉ thi đấu 1 môn, nên nhiều địa phương, CLB mạnh luôn dư thừa VĐV nhờ quá trình tập trung đào tạo từ lâu, sẵn sàng “nhường” VĐV cho đơn vị khác kiếm huy chương. Vì thế, mới đây đã xảy ra chuyện VĐV vật Lê Huy Hợi đăng ký trong màu áo Cần Thơ, ẩu đả với trọng tài để bênh vực VĐV của đoàn Quân đội. Lý do là vì 2 VĐV này đều do Quân đội đào tạo. Hay như việc các kỳ thủ hàng đầu thế giới như Lê Quang Liêm, Hoàng Thanh Trang lại thất bại ở nội dung cờ vua, vì họ bị buộc phải về thi đấu cho địa phương dù muốn hay không muốn. Tương tự, rất nhiều VĐV đã có thành tích rất cao vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ, thắng thì không nói làm gì, thua thì lại bị đánh giá là không nỗ lực.
Như chúng tôi từng đề cập, với mục đích dàn trải, tổ chức càng nhiều môn, nhiều địa phương tham gia nên mới có những chuyện hết sức buồn cười, như môn bóng đá nam đại hội chỉ có 5 đội bóng tham gia, bao gồm đội chủ nhà Nam Định vừa mới từ hạng nhì lên hạng nhất. Thử hỏi, chiếc HCV này phản ánh được gì hay chỉ đơn giản là sẽ có thêm 1 huy chương trên bảng xếp hạng để “chạy” thành tích. Ở một khía cạnh khác, trước đây, công tác tổ chức thi đấu thường do liên đoàn đảm trách, nay lại chuyển về cho các bộ môn điều hành tại đại hội, thì ngoài lãng phí tiền bạc, còn phát sinh các vấn đề chuyên môn không đáng có.
VIỆT QUANG