Cháy xe do xăng hay còn yếu tố nào khác?

Phải chăng chỉ vì...…xăng?
Cháy xe do xăng hay còn yếu tố nào khác?

Sau một thời gian dài chờ đợi, tuần qua người dân gần như đã “thở phào nhẹ nhõm” sau khi được các cơ quan chức năng cho biết, các trường hợp xe bị cháy trong thời gian gần đây cơ bản là do xăng. Xe chạy được là nhờ xăng, cháy xe cũng là do xăng kém chất lượng có sẵn trên xe, đó là kết quả không thể chối cãi. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây dư luận từ người tiêu dùng vẫn còn hồ nghi rằng, đằng sau chất lượng xăng phải chăng vẫn còn đó là chất lượng của xe và phụ tùng thay thế đi kèm theo xe?

Xe gắn máy là phương tiện di chuyển phổ thông cho người tiêu dùng Việt Nam

Xe gắn máy là phương tiện di chuyển phổ thông cho người tiêu dùng Việt Nam

Phải chăng chỉ vì...…xăng?

Sự thật đã phản ánh lên rằng, cháy xe, cả ô tô và xe máy luôn là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng trong gần 2 năm qua. Nhưng mãi cho đến giữa tháng 5-2012 này, nguyên nhân gây cháy xe xem như đã được “tìm ra” bằng việc các nhà khoa học, nhà nghiên cứu công bố những kết luận của mình.

Theo những công bố trên, có ba nguyên nhân chính gây cháy xe mà nguyên nhân lớn nhất trong đó là do xăng gây ra. Vậy là, dù công bố này chỉ mang tính phạm vi tại TP.HCM nhưng xem ra, nguyên nhân gây cháy xe lại là một thứ khách quan. Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, cho biết, “đây mới chỉ nghiên cứu ban đầu, chưa toàn diện”…

Theo Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu và phòng thí nghiệm trọng điểm Động cơ đốt trong (ĐH Bách khoa TP.HCM, đơn vị thực hiện nghiên cứu) thì việc sử dụng xăng có pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật sẽ phá hủy hệ thống ống dẫn, hoặc gây áp suất hơi cao… gây rò rỉ nhiên liệu. Nhiên liệu rò rỉ này khi tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ nóng hay tia lửa điện từ quá trình chập mạch của hệ thống điện sẽ gây cháy xe. Ngay tại đây nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, vậy trước nay hoàn toàn không hề có chuyện xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp?

Cũng theo nhóm nghiên cứu, thời điểm 2010-2011 giá thành xăng thế giới cao hơn so với Việt Nam, do phải nhập khẩu sản lượng lớn khiến giai đoạn này việc kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, nên việc xăng bị pha methanol, ethanol để thu lợi nhuận hoàn toàn có thể xảy ra. Khảo sát của nhóm chứng minh, thực tế cho thấy sản lượng methanol được nhập khẩu đã tăng đột biến từ năm 2008 (52,35 ngàn tấn) với các năm 2010 (90,3 ngàn tấn) và 2011 (80,52 ngàn tấn).

Phải chăng nói như vậy có võ đoán quá không khi các nhà khoa học ghi nhận số lượng methanol, ethanol nhập về nhiều và cho rằng việc nhập đó có liên quan đến xăng pha, xăng giả? Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên lấy số liệu nhập khẩu methanol, ethanol để “hợp thức hóa” cho “hiện tượng” rồi quy thực tế mà hãy chứng minh bằng thực tiễn.

Một lãnh đạo của Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM cho rằng, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã tìm thấy hơn một nửa mẫu xăng kiểm tra có methanol. Trong khi đó, methanol chưa tới 10 ngàn đồng/lít, chỉ cần pha 15% methanol vào xăng A83 thì sẽ biến thành xăng A92 và cho ra một lợi nhuận khổng lồ. Vị lãnh đạo này đề xuất các cơ quan liên quan nên có kiến nghị Nhà nước cho ngừng lưu thông xăng A83. Dư luận đặt câu hỏi, nếu ngưng lưu thông  xăng A83 có đảm bảo xe không còn bị cháy?

Vì hiện nay trong dân vẫn còn sử dụng rất nhiều xe gắn máy đời cũ, sử dụng rất kinh tế và phù hợp với xăng A83 thì bỏ đi đâu, lại gây lãng phí thêm một dòng phương tiện? Nếu nói xăng A83 là nguồn cơn thì tại sao trước đây không có chuyện cháy xe hoặc nếu có thì cũng cực hiếm? Hay trước đây người dân không dùng xe máy phân khối lớn hoặc giả, các doanh nghiệp ngày trước trung thực hơn bây giờ? Điều này ai chứng minh?

Cần xem lại chất lượng xe, phụ tùng thay thế

Xe cháy do xăng là chuyện đã rõ, nhưng nếu chỉ “chăm bẳm” vào nguyên nhân vì xăng mà bỏ sót đi các nguyên nhân khác (nếu có) thì sẽ khó ngăn chặn được tình trạng cháy xe. Vì theo công bố của các nhà nghiên cứu trên, khi “nguồn nhiệt đủ nóng hay tia lửa điện từ quá trình chập mạch của hệ thống điện” thì tình trạng cháy sẽ xảy ra. Vậy có thể hiểu rằng, khi chập mạch của hệ thống điện nghĩa là xe bị lỗi kỹ thuật: Như thế, xe cháy là do xăng kém chất lượng cùng với lỗi chập mạch của hệ thống điện mới xảy ra.

Như vậy không thể chỉ “đổ thừa” tại xăng mà còn phải xem lại phải chăng là lỗi hệ thống điện trên xe. Mà đã là lỗi hệ thống điện thì chúng ta phải nghiêm túc truy tìm cho tới đó là lỗi do người sử dụng xe lắp đặt sai kỹ thuật các thiết bị điện hay lỗi kỹ thuật động cơ, lỗi kỹ thuật trong các món phụ tùng thay thế mà chính các hãng sản xuất và cung cấp?  

Nhiều ý kiến chuyên gia về kỹ thuật cũng đã nghi ngờ rằng, ngoài chất lượng xăng, chúng ta cũng phải cẩn trọng xem lại chất lượng xe và các thiết bị phụ tùng thay thế như thiết bị điện, bình ắc quy, cầu chì, ống nhựa dẫn nhiên liệu…được lắp trên xe có thật sự đạt chất lượng hay không?

Vì trên thực tế gần đây, phản ánh của kỹ thuật viên ở những tiệm sửa chữa xe máy uy tín, có rất nhiều trường hợp hệ thống ống dẫn nhiên liệu chỉ dùng một thời gian ngắn đã bị “lão hóa”, bong tróc, nứt bể, rò rỉ xăng rất dễ cháy. Hàng loạt xe gắn máy khi đang vận hành bị lỗi ở hệ thống sạc, liên tục cháy cầu chì, bình ắc quy phù, nguy hiểm hơn là bị cháy cả cuộn lửa…

Tất cả những trường hợp trên nên chăng khi “truy” nguyên nhân cháy xe, nhà chuyên môn cũng cần lưu ý chất lượng sản phẩm, phụ tùng thay thế chứ không hẳn chỉ có thủ phạm là xăng?

Hoàng Châu

Tin cùng chuyên mục