Ít có ngành nào mà ở hầu hết các khâu tại các nhà máy chế biến lại được sử dụng nhiều thiết bị sản xuất trong nước như ngành chế biến hạt điều. Có thể nói, đây là nét đặc sắc mà những ngành nghề khác không dễ gì có được.
Ứng dụng ngay vào thực tế
Tuần qua, tại buổi trình diễn thiết bị chế biến hạt điều do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ở Bình Dương, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vincas cho biết, hiện nay hơn 80% thiết bị tại các nhà máy chế biến đều do các công ty, cơ sở sản xuất trong nước sản xuất.
Đây là kết quả của chương trình KC07 thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010 với mục tiêu chung là nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Chương trình nghiên cứu được triển khai trên 4 lĩnh vực: cơ khí nông nghiệp, chế biến bảo quản nông sản, ngành nghề nông thôn và môi trường. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng trên được Hội đồng khoa học cấp nhà nước đánh giá xuất sắc nhờ những thông số như: máy cắt hạt điều giảm tỷ lệ hạt bể từ trên 30% của nước ngoài xuống còn dưới 10% (so với lao động thủ công trên 10%), 1 máy có thể cắt 1.600 kg hạt/ca, tương đương 10 - 12 lao động.
Trong khi đó, máy bóc vỏ lụa, năng suất gần 1,6 tấn hạt/ca (nếu làm thủ công, 10kg/lao động), độ sạch trên 86%, tỷ lệ hạt vỡ dưới 13,7%. Tất cả các chỉ tiêu trên đều cao hơn chỉ tiêu theo kế hoạch ban đầu. Nhờ nắm chắc quy trình khi sản xuất và tiện sử dụng nên các nhà máy mạnh dạn và nhanh chóng đưa vào ứng dụng.
Tại buổi triển lãm lần thứ 3 này, 13 đơn vị tham gia đều là những doanh nghiệp trong nước như: Khuông Việt, Anco Việt, Sơn Việt, Mỹ Anh An, Phúc Thắng, Gia Lợi, Tiến Lộc Phát, Việt Lê Nguyễn, Thạnh Sơn… Hiện nay, toàn bộ các khâu trong chế biến hạt điều như: cắt, tách, bóc vỏ lụa… đều được cơ giới hóa, giúp giảm gần 80% lượng lao động mà ngành điều có lúc bị điêu đứng vì tình trạng khan hiếm trầm trọng trong nhiều năm về trước.
Qua từng năm, những hạn chế và khiếm khuyết của thiết bị đã được các doanh nghiệp khắc phục dần. Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho rằng, trong số 13 công đoạn của quy trình chế biến hạt điều, cắt tách vỏ hạt điều là khâu quan trọng và tốn nhiều lao động nhất. Đây cũng là khâu mà theo ông Nguyễn Đức Thanh cần phải tiếp tục cải tiến để hoàn chỉnh dây chuyền chế biến hạt điều sản xuất tại Việt Nam nhằm tự động hóa hoàn toàn.
Rẻ hơn 50% thiết bị nước ngoài
Ngoài máy nhận dạng màu sắc để phân loại hạt, những khâu khác như hấp hay chao dầu, tách hạt, bóc vỏ lụa, phân loại kích cỡ đã được các doanh nghiệp trong nước sản xuất khá tốt, vượt qua các chỉ tiêu kỹ thuật của máy nước ngoài sản xuất. Trên 50% số nhà máy chế biến hạt điều đã sử dụng máy bóc vỏ lụa được sản xuất trong nước. Con số này dự kiến trong 2 - 3 năm tới sẽ là 100%. Dây chuyền chế biến hạt điều trong nước sản xuất giúp giảm được khoảng 50% - 60% lao động mỗi dây chuyền.
Ông Nguyễn Thái Học cho rằng, qua từng năm, những hạn chế ban đầu được khắc phục dần như việc cắt tách vỏ không còn bị nhiễm dầu như trước. Nâng máy bóc vỏ lụa, một trong những khâu sử dụng nhiều lao động nhất lên 70% - 75% là tự động và dự kiến lên 80% - 85%.
Giá thành của thiết bị sản xuất trong nước rẻ hơn khoảng 40% - 50% so với thiết bị nước ngoài. Tất nhiên cũng có những chi tiết phải nhập khẩu, như máy lọc màu… nhưng 80% là chi tiết được sản xuất trong nước. Hiện nay, số doanh nghiệp sử dụng thiết bị ngoại nhập rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Những tiến bộ này là nền tảng cho việc tiếp tục nghiên cứu, nâng cao tính năng của thiết bị. Bởi hiện có một số công đoạn chưa thể sử dụng 100% thiết bị như bóc vỏ lụa, máy phân loại hạt mới chỉ 50% mà phải bằng mắt thường.
Lợi thế của thiết bị sản xuất trong nước là giá cả, theo ông Nguyễn Thái Học, một nhà máy 5.000 tấn giảm 40% giá trị đầu tư so với thiết bị nước ngoài. Nhờ những lợi thế này mà ngay cả Ấn Độ, quốc gia đi trước và đi đầu trong việc chế biến hạt điều, chỉ sau Việt Nam về lượng xuất khẩu cũng đã mua các thiết bị này.
Hạn chế của thiết bị sản xuất trong nước là tính chính xác chưa cao, sức bền vật liệu và tuổi thọ chưa cao. Đây là những hạn chế mà các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục cải tiến. Việc đưa thiết bị vào quá trình chế biến đã giúp giải quyết bài toán khan hiếm lao động, ngoài ra, sử dụng thiết bị còn giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước đưa ra với yêu cầu ngày càng cao. Điều này lao động chân tay không thể đảm bảo được.
CÔNG PHIÊN