Chế định "Quyền im lặng" nhìn từ phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga

Chế định "Quyền im lặng" nhìn từ phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga

Từ phiên tòa xét xử vụ án Hoa hậu Phương Nga:

>> Vụ hoa hậu lừa đảo: Trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung
>> "Quyền im lặng" - chế định hạn chế oan sai

LTS: Tại phiên xử sơ thẩm vụ án Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) cùng đồng bọn về phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào ngày 21-9 vừa qua, nhận thấy vụ án còn nhiều nội dung chưa được làm rõ trong quá trình điều tra nên hội đồng xét xử của TAND TPHCM quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Tình tiết số tiền 16,5 tỷ đồng được bị cáo Phương Nga lần đầu tiên khai tại tòa có khả năng sẽ làm thay đổi bản chất vụ án. Sau phiên tòa, chế định “quyền im lặng” một lần nữa được quan tâm đặt ra. Báo SGGP xin trích đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Đức xung quanh chế định này.

“Quyền im lặng” là một quy định tiến bộ trong tố tụng hình sự của nước ta, góp phần phòng tránh oan sai do người tiến hành tố tụng gây ra. Tuy nhiên, “quyền im lặng” không phải lúc nào cũng “hiệu nghiệm” đối với người phạm tội, một khi chứng cứ buộc tội quá rõ ràng.

Vậy vấn đề đặt ra là khi nào và trường hợp nào thì người bị buộc tội mới sử dụng đến “quyền im lặng”?

Trong hoạt động tố tụng hình sự, để buộc tội một người, trách nhiệm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT). Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (tương ứng điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự - BLTTHS - 2015) quy định về nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Do vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các CQTHTT không chỉ làm rõ chứng cứ có tội mà còn phải có trách nhiệm làm rõ những chứng cứ xác định bị can, bị cáo vô tội. Để chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, các CQTHTT không chỉ dựa vào lời khai của bị can, bị cáo mà phải xem xét tất cả các chứng cứ, tài liệu có liên quan một cách khách quan, toàn diện.

“Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị can, bị cáo”, khoản 2 điều 72 BLTTHS 2003 quy định. Như vậy, trong tố tụng hình sự, nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” đã được minh thị rõ ràng. Do vậy, kể cả trường hợp bị can, bị cáo có khai báo thế nào đi nữa nhưng nếu lời khai của họ không phù hợp với các chứng cứ khác thì không được coi là chứng cứ của vụ án. Vì lẽ đó, trong quá trình điều tra, việc bị can có quyền khai báo hoặc từ chối khai báo nếu thấy việc khai báo đó chống lại mình cũng không làm thay đổi bản chất, sự thật khách quan vụ án. Vấn đề là các CQTHTT và người THTT có đủ năng lực để tìm ra sự thật của vụ án hay không mới là điều quan trọng. Có nhiều vụ án, bị can, bị cáo không khai, hoặc khai báo không đúng sự thật, nhưng các CQTHTT vẫn xác định được sự thật vụ án để buộc tội các bị can, bị cáo một cách tâm phục khẩu phục.

Điểm d khoản 2 điều 60 và điểm h khoản 2 điều 61 BLTTHS 2015, quy định bị can, bị cáo có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;”. Đây chính là sự cụ thể hóa “quyền im lặng” của bị can, bị cáo của BLTTHS 2015. Trước đây, BLTTHS 2003, tại điều 49 và 50, quy định về quyền của bị can, bị cáo, không có quyền này. Đây thật sự là một sự thay đổi quan trọng về nhận thức về quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Việc quy định “quyền im lặng”, không chỉ đảm bảo việc thực thi tốt hơn quyền con người, quyền công dân mà còn làm tăng trách nhiệm của các CQTHTT trong hoạt động tố tụng hình sự.

Trở lại trường hợp vụ hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, trong suốt quá trình tố tụng ở Cơ quan điều tra, bị can này không khai báo mà đợi đến khi ra tòa mới khai, chứng tỏ đã có sự tính toán rất kỹ và có sự am hiểu pháp luật nhất định. Nếu lời khai tại tòa của người này là chính xác và có căn cứ, cho thấy tín hiệu tích cực khi bị can, bị cáo sử dụng “quyền im lặng” trong tố tụng hình sự. Điều này đòi hỏi các CQTHTT khi buộc tội một người phải hết sức thận trọng. Để tránh oan sai và “đối phó” với việc bị can, bị cáo sử dụng “quyền im lặng”, buộc người THTT cần trang bị tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng điều tra, xét hỏi, đồng thời phải công tâm, khách quan trong việc đánh giá chứng cứ.

Lời khai tại tòa của Trương Hồ Phương Nga về “hợp đồng tình ái” chưa biết đúng sai thế nào, nhưng qua đó cho thấy một điều: Quá trình điều tra, truy tố đã chưa thu thập chứng cứ một cách đầy đủ, toàn diện; có dấu hiệu cho thấy Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát tập trung vào chứng cứ buộc tội mà bỏ qua chứng cứ gỡ tội. Nếu quá trình điều tra bổ sung mà xác định lời khai cùng các chứng cứ chứng minh có “hợp đồng tình ái” thì bản chất vụ án rẽ sang một hướng khác. Lúc đó, việc giải quyết hậu quả pháp lý của vụ án hết sức nặng nề.

Việc chọn đúng thời điểm khai nhận đã giúp Trương Hồ Phương Nga "ghi điểm". Tình tiết vụ án được công bố tại tòa sẽ được ghi nhận vào biên bản, để Tòa án buộc cơ quan điều tra phải điều tra bổ sung, làm rõ lời khai và các chứng cứ liên quan đến lời khai này. Những tình tiết này được công bố rộng rãi trước dư luận cả nước sẽ là kênh giám sát vững chắc cho kết quả điều tra bổ sung trong thời gian tới. Đây là thành công bước đầu của Trương Hồ Phương Nga trong việc sử dụng “quyền im lặng”. Dư luận cả nước đang trông chờ vào kết quả điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát sẽ phải chịu sức ép và sự giám sát chặt chẽ của dư luận và cơ quan báo chí.

Bị cáo Trương Hồ Phương Nga trong ngày xét xử sơ thẩm 21-9

Sự việc của Trương Hồ Phương Nga cũng là sự cần thiết để CQTHTT điều chỉnh lại chính mình trước khi BLTTHS 2015 chính thức được thực thi. Trước giờ, các CQTHTT và người THTT hay có quan niệm là bị can, bị cáo không khai báo theo hướng buộc tội là ngoan cố, chối tội nên khi xét xử không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” cho họ. Quan niệm này, không phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các CQTHTT, chứ không phải người bị buộc tội. Người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, nhưng họ có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến để phản bác cáo buộc chống lại mình hoặc làm nhẹ đi trách nhiệm hình sự mà họ đang bị cáo buộc. Như vậy, nếu bị can, bị cáo khai báo không theo hướng buộc tội của CQTHTT và người THTT nhưng đúng sự thật thì không thể coi là họ không thành khẩn và phải cho họ hưởng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo”.

Qua vụ việc Trương Hồ Phương Nga cho thấy bước tiến dài về sự tiến bộ của tố tụng hình sự khi đưa vào“quyền im lặng”. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, người bị buộc tội cũng sử dụng “quyền im lặng”. Việc sử dụng “quyền im lặng” vào lúc nào, khi nào thì người bị buộc tội cũng cần cân nhắc. Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ để tự bào chữa, bảo vệ cho mình sẽ phát huy hiệu quả, nhưng không nên quá lạm dụng, nhất là những vụ án mà chứng cứ buộc tội “hai năm rõ mười”.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TPHCM

Ái Chân ghi

Tin cùng chuyên mục