Chế độ miễn, giảm học phí dành cho học sinh, sinh viên

Bước vào năm học mới 2011 - 2012, nhiều bạn đọc quan tâm đến chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Để làm rõ thêm các quy định, đối tượng được thụ hưởng chính sách này, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐTB-XH TPHCM.

Bước vào năm học mới 2011 - 2012, nhiều bạn đọc quan tâm đến chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Để làm rõ thêm các quy định, đối tượng được thụ hưởng chính sách này, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐTB-XH TPHCM.

° PV: Thưa ông, những đối tượng nào được miễn, giảm học phí?

° Ông LÊ CHU GIANG: Liên Sở GD-ĐT - Tài chính - LĐTB-XH TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn một số nội dung về thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (HS-SV) từ năm học 2010 - 2011 đến 2014 - 2015 trong đó quy định cụ thể từng nhóm đối tượng được thụ hưởng: Đối tượng chính sách có công, đối tượng hộ nghèo TP (có mã số) theo quy định; các đối tượng còn lại theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP phải thường trú (KT1, KT2) tại TP.

° Chế độ miễn, giảm học phí được áp dụng như thế nào?

° Những trường hợp được miễn học phí 100% gồm: người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em học mẫu giáo và HS-SV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại (mẹ hoặc cha) mất tích theo quy định; trẻ em có cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên; trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo TP, có thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm trở xuống được miễn học phí đến thành viên thứ hai đang đi học, nằm trong chuẩn nghèo Trung ương thì được miễn học phí cho tất cả các thành viên đi học; HS-SV tại các cơ sở GD nghề nghiệp và GD đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo (cụ thể hộ nghèo từ 7.200.000 đồng/người/năm trở xuống đối với nông thôn và từ 9.000.000 đồng/người/năm trở xuống đối với thành thị).

Những trường hợp được giảm 70% học phí: HS-SV các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Những trường hợp giảm 50% học phí: Trẻ học mẫu giáo, HS-SV là con CBCNVC bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo, HS phổ thông thuộc hộ nghèo TP có thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/năm (áp dụng đối với thành viên thứ ba trở lên đang đi học); thu nhập trên 10 triệu đồng/người/năm đến 12 triệu đồng/người/năm; HS-SV tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.

° Đối tượng nào được hỗ trợ chi phí học tập?

° Trẻ em mẫu giáo, HS phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa hoặc bị khuyết tật, có khó khăn về kinh tế; trẻ em mẫu giáo, HS phổ thông thuộc hộ nghèo có thu nhập 10 triệu đồng/người/năm trở xuống. Ngoài ra, những trường hợp hộ nghèo thuộc chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương thì các thành viên đang đi học được hỗ trợ chi phí học tập (không xem xét trường hợp sinh con thứ ba); số còn lại chỉ xét 50% chi phí học tập đối với người con thứ ba trở lên đang đi học. Mức hỗ trợ chi phí học tập áp dụng cho các loại hình cơ sở GD mầm non, phổ thông là 70.000 đồng/HS/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

° Phạm vi miễn, giảm học phí?

° Đối với hệ mẫu giáo và GD phổ thông, áp dụng cho HS trường công lập, dân lập, tư thục và dựa theo mức miễn, giảm học phí của năm học (theo văn bản của cấp có thẩm quyền ban hành). Đối với hệ GD nghề nghiệp và đại học công lập, áp dụng cho HS-SV học chính qui, mức học phí căn cứ vào mức trần học phí tương ứng với từng ngành, nghề đào tạo được quy định tại Nghị định 49/CP, nếu mức học phí thực tế cao hơn mức trần học phí thì áp dụng mức trần.

° Thủ tục và hồ sơ?

° Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu năm học, các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí nêu trên phải có đơn đề nghị (theo mẫu) và được xác nhận bởi cơ sở GD, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng; kèm theo bản sao chứng thực các giấy tờ. Cụ thể: HS mẫu giáo và phổ thông công lập: Đơn gửi tại trường; HS mẫu giáo và phổ thông ngoài công lập, đơn gởi Phòng GD-ĐT. Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) HS các trường thuộc sở quản lý.

Việc chi trả cấp bù học phí được cấp làm 2 lần: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 9 hoặc tháng 10; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Đối với cơ sở GD nghề nghiệp và GD đại học công lập: Phòng LĐTB-XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ HS-SV; cấp 10 tháng/năm theo kỳ hạn như sau: Lần 1 cấp vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm; lần 2 cấp vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.

KHÁNH BÌNH ghi

Tin cùng chuyên mục