Chế tài mạnh người tung tin đồn thất thiệt ​

Việc tung tin đồn thất thiệt không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của chính người bị tung tin đồn mà còn gây hoang mang dư luận xã hội.
Đối tượng tung tin đồn vụ máy bay rơi ở Nội Bài lên mạng xã hội đang bị đề nghị xử phạt từ 10-20 triệu đồng
Đối tượng tung tin đồn vụ máy bay rơi ở Nội Bài lên mạng xã hội đang bị đề nghị xử phạt từ 10-20 triệu đồng
Ngày 10-1-2016, hai phụ nữ đang bán nước giải khát ở một chung cư tại quận 5 (TPHCM) đã gặp không ít phiền toái, cuộc sống bị đảo lộn khi bỗng dưng hình ảnh của mình bị ai đó đưa lên mạng và gán cho tội bắt cóc trẻ em. 
Ngày 12-2-2017, ở Diễn Châu (Nghệ An), một phụ nữ tâm thần lang thang trên đường bị người dân quay clip tung lên mạng và dựng lên câu chuyện về người phụ nữ giả ngây ngô để bắt cóc trẻ em. Ngày 24-6, ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), một phụ nữ tâm thần bị người dân bắt giữ và gí dao vào cổ để tra khảo về tội bắt cóc. Ngày 7-7, ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), một phụ nữ câm bị nghi oan bắt cóc trẻ em.
Ngày 13-7, một phụ nữ đi bán thuốc bắc dạo tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) bị một số người dân tưởng lầm là kẻ bắt cóc trẻ em nên vây bắt và đòi “xử”, có người đã quay clip tung lên mạng với nội dung “bắt được một người bắt cóc trẻ em ở Cửa Lò”. Lập tức clip được cư dân mạng chia sẻ chóng mặt, dù công an đã khẳng định thông tin đó không đúng, nhưng người phụ nữ này vẫn bị nhiều người dọa đánh. Thậm chí, ngày 16-7, một bà mẹ ở TP Đà Nẵng đang bế con ruột của mình cũng bị kẻ ác ý quay clip đưa lên mạng, tung tin là “mẹ mìn” cho cháu bé uống thuốc mê để bắt cóc. 
Mới đây nhất, lại xảy ra 2 vụ do tâm lý đám đông, hành động thiếu suy xét, nhiều người dân đã gây thương tích và cố ý hủy hoại tài sản của người khác vì nghi là đối tượng đi bắt cóc trẻ em. Ngày 20-7, cả ngàn người dân xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) vây đánh và đốt ô tô Fortuner của 2 người đàn ông vào xã để hỏi mua gỗ. Chỉ do một phụ nữ cảm thấy đau đầu, chóng mặt khi đang nói chuyện với 2 người này, nghĩ rằng họ là những người chuyên đi thôi miên để bắt cóc trẻ em như những thông tin đã đọc trên mạng, nên tri hô hàng xóm bắt giữ và đốt xe của họ. Ngày 22-7, ở xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), 2 phụ nữ đi bán tăm bông bị người dân bắt giữ và đánh đập dã man cũng vì nghi bắt cóc trẻ em.
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin về các đối tượng bắt cóc trẻ em, có kèm hình ảnh minh họa là đám đông nhốn nháo, nhưng không rõ người bị hại và đối tượng bắt cóc. Từ những thông tin, hình ảnh này, mọi người đua nhau chia sẻ trên trang cá nhân của mình với mục đích cảnh báo cho người thân đề phòng, nhưng không ý thức rằng mình đang tiếp tay lan truyền những thông tin thất thiệt, gây ra dư luận bất an. Dù những thông tin bắt cóc trẻ em đã được công an và cơ quan chức năng xác minh là không đúng sự thật, thế nhưng nhiều người dân vẫn tin và lo lắng rằng đối tượng bắt cóc trẻ em có mặt ở khắp nơi, để rồi nghi ngờ bất cứ ai mà họ gặp trên đường. 
Những người bịa đặt, tung tin bắt cóc trẻ em đó là ai? Vì mục đích gì? Sẽ chẳng bất ngờ bởi những trang đăng tải rầm rộ nhất chuyện bắt cóc trẻ em và kêu gọi mọi người chia sẻ hầu hết là những trang bán hàng online, họ đã dựng lên những câu chuyện không có thật về những kẻ bắt cóc để câu view, câu like. Đọc những câu chuyện giật gân tưởng tượng ra, không ít người nhẹ dạ đã cả tin, chia sẻ về trang cá nhân của mình, thậm chí còn thêu dệt thêm để câu chuyện kịch tính hơn, hấp dẫn hơn. Do đó đã tạo lên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng, tâm lý ngờ vực ai cũng có thể là “mẹ mìn”. Khi người dùng mạng xã hội thiếu kỹ năng chọn lọc thông tin, nhất là khi tâm lý con người luôn hứng thú với những kiểu tin giật gân, thì những kẻ có âm mưu gây bất an xã hội dễ dàng lợi dụng. 
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần truy tới cùng và có chế tài mạnh đối với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt, làm ảnh hưởng đến tâm lý, uy tín, sức khỏe của người khác và gây rối loạn xã hội, mất trật tự công cộng.

Tin cùng chuyên mục