Khi những tranh cãi giữa Liên đoàn Quần vợt Việt Nam và Công ty Thể thao Becamex Bình Dương vẫn chưa lắng dịu thì làng thể thao lại ầm ĩ với việc các VĐV bóng chuyền nữ tại 2 CLB ngành dầu khí. Điểm chung của các vụ lùm xùm này đó là những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển thể thao chuyên nghiệp, và đây đều là những vấn đề không mới, vẫn còn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Những sự việc trên đều phản ảnh một thực tế: thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam đang đi chệch hướng. Như ở môn bóng chuyền, chỉ trong vòng vài năm gần đây, 90% các CLB ào ạt chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp, doanh nghiệp hóa các đội bóng trước đây thuộc sở hữu nhà nước. Quá trình này diễn ra quá nhanh, lương bổng của VĐV tăng chóng mặt nhưng nguồn thu trong môn bóng chuyền còn tệ hơn cả môn bóng đá, chỉ toàn con số âm. Sức ép tài chính đã buộc các doanh nghiệp phải dừng lại cho dù chi phí cho một đội bóng chuyền ít hơn nhiều so với bóng đá. Trong khi đó, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không thể tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới dù đã trễ gần 2 năm do những bất đồng về quan điểm quản lý. Người ta ví bóng chuyền Việt Nam như con tàu không người lái và những nguồn lực xã hội cảm thấy chán ngán trước cách làm việc này, đành “bỏ của chạy lấy người”.
Vụ việc liên quan đến tay vợt Lý Hoàng Nam cũng xuất phát từ sự bất đồng của doanh nghiệp đầu tư và Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Phía đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam cho rằng thay vì tìm hiểu và thông cảm cho họ, liên đoàn lại muốn dùng quyền hạn của mình để ép doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ quốc gia, đi ngược với định hướng xã hội hóa thể thao và trái với cách vận hành của quần vợt chuyên nghiệp, mà ở đó quyền lợi của VĐV phải được đặt lên cao nhất.
Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt là 3 môn có sự phát triển chuyên nghiệp sớm và nhanh nhất của thể thao Việt Nam, nhưng cả 3 đều đang gặp những khó khăn không dễ giải quyết. Ý muốn phát triển quá nhanh đã khiến các liên đoàn bỏ qua hàng loạt tiêu chí nền tảng của thể thao chuyên nghiệp, không có những chiến lược phát triển cụ thể, thậm chí ngay chính bộ máy các liên đoàn cũng không có những chuyên gia thực thụ am hiểu về thể thao chuyên nghiệp. Hệ quả là ngay việc tổ chức các giải đấu cũng trở nên quá tầm với các liên đoàn. Ba năm trở lại đây, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam không thể tổ chức các giải đấu đẳng cấp của quần vợt chuyên nghiệp thế giới. Ở môn bóng chuyền, ngoài 2 vòng đấu của giải vô địch quốc gia, cũng chẳng còn cơ hội nào khác để các CLB thi đấu nhằm tránh lãng phí tiền đầu tư. Còn với môn bóng đá, như đã biết, VFF không thể duy trì được giải thường niên VFF Cup của mình trong 2 năm gần nhất.
Muốn phát triển chuyên nghiệp nhưng không xây dựng được nguồn thu, không đủ năng lực tổ chức thi đấu, không hỗ trợ tài chính cho các CLB thì làm sao có cơ sở để thể thao chuyên nghiệp có thể phát triển? Không thể yêu cầu các nguồn lực xã hội phải kiên nhẫn chờ đợi trong khi ngay cả việc hoàn thiện hay cải tổ bộ máy của mình, các liên đoàn thể thao nói trên vẫn đang trong tình trạng bất lực. Đã có xu hướng các môn thể thao quay về “núp” dưới nguồn ngân sách của nhà nước khi các liên đoàn làm việc thiếu hiệu quả. Đấy cũng chính là một bước lùi thấy rõ của thể thao Việt Nam.
YẾN PHƯƠNG