Trong các ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tại TPHCM, các chùa chiền, đền, miếu, được người dân chọn làm điểm đến để dâng hương, dâng hoa cầu nguyện cho một năm mới tốt lành. Phong tục đi lễ đầu năm thể hiện đời sống tâm linh, nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, những hình ảnh chưa đẹp như dịch vụ ăn theo, “chặt chém” xả rác bừa bãi, ăn xin… đã phần nào làm phá hỏng đi nét đẹp văn hóa truyền thống ấy.
Đến hẹn lại lên, những ngày đầu năm Đinh Dậu, hàng loạt hình ảnh chưa đẹp về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vấn nạn mê tín dị đoan... lại đập vào mắt du khách. Tại chùa Xá Lợi, quận 3, gần 50 người ăn xin (có người tàn tật, có người khỏe mạnh, có người già, tuổi trung niên và cả em bé) ngồi xếp hàng san sát nhau dưới sân, dọc hai cầu thang đường lên chánh điện. Chỉ cần người đi lễ chùa cho tiền một người là cả nhóm người ăn xin nhốn nháo, chèo kéo để xin cho bằng được. Khu vực trước chùa Vĩnh Nghiêm những ngày đầu năm luôn đông nghẹt người. Những người buôn bán nhang đèn, hoa, sách bói toán, tử vi, giữ xe, người ăn xin… lấn chiếm gần như toàn bộ lề đường, lấn xuống cả lòng đường, khiến đoạn đường trước cổng chùa thường bị ùn tắc giao thông cục bộ. Chưa kể, khu vực trước chùa xuất hiện khá nhiều rác, bao ni lông đựng nhang được xả vô tội vạ bị gió, xe chạy qua cuốn ra đến giữa đường.
Người chật như nêm bên trong chùa Ngọc Hoàng (đường Mai Thị Lựu, quận 1). Ảnh: TUỆ MẪN
Ở khu vực chùa Bà Châu Đốc 2, huyện Nhà Bè vẫn diễn ra tình trạng buôn bán bát nháo dọc theo những con đường dẫn vào chùa. Bên trong chùa, đội quân bán vé số chiếm ngự cả một khoảng sân chùa. Người đi lễ đông đúc, nhiều người cố chen để thắp hương, bái lạy. Dù ban quản lý thường xuyên phát loa, thông tin đến khách hành hương về việc thắp nhang sao cho vừa đủ, giúp chùa giữ an toàn phòng cháy chữa cháy, thông thoáng không gian thờ cúng, thế nhưng vẫn có rất nhiều người đi lễ kém ý thức, đốt rất nhiều nhang, khiến không gian nhỏ hẹp của chùa Bà thêm ngợp khói và hơi người. Phía ngoài chùa, một số “thầy”, “bà” vẫn lén lút hành nghề, chèo kéo, mời gọi du khách đến viếng chùa coi bói đầu năm.
Một trong những ngôi chùa lâu đời và đông người viếng thăm đầu năm nhất tại TPHCM phải kể đến là chùa Ngọc Hoàng (đường Mai Thị Lựu, quận 1). Năm nay, đến 3 giờ sáng mùng 1 Tết, chùa mới mở cửa cho khách hành hương nhưng ngay lập tức đã đông nghẹt người. Đáng nói là cả đoạn đường dài gần 300m có gần 20 điểm giữ xe tự phát. Nhà dân, trụ sở doanh nghiệp, đường nội bộ… được tận dụng làm điểm giữ xe. Mức giá sàn giữ xe là 10.000 đồng/xe máy. Vào giờ cao điểm, đội ngũ giữ xe hùng hậu lao thẳng ra đường níu kéo khách. Đội ngũ bán vé số, ăn xin, bán hàng rong cũng tràn ra mặt đường khiến giao thông khu vực này luôn ùn tắc. Do dường nhỏ nên lượng ô tô của khách đi chùa được giữ bên đường Điện Biên Phủ gần đó. Cả hàng dài ô tô đậu dọc đường được trông giữ với mức từ 20.000 đồng - 50.000 đồng/ô tô, tùy thời điểm. Bên trong chùa, thường trực cảnh chen lấn, xô đẩy của khách thập phương, ai cũng mong tiến gần đến bàn thờ chính để hành lễ và cũng không ít người bị kẻ gian móc túi lấy tiền và tư trang.
Cũng cần ghi nhận, năm nay, các loại trang phục thời trang kém thẩm mỹ, không phù hợp với không gian tâm linh nơi thờ cúng, lễ bái đã giảm rất nhiều so với những năm trước, thay vào đó là những bộ áo dài truyền thống nhiều màu sắc làm không khí lễ chùa trở nên trang trọng, đẹp và ý nghĩa hơn. Tình trạng đốt giấy tiền vàng mã tại các nơi thời cúng cũng giảm hẳn. Ở một số ngôi chùa, đền, giá vé giữ xe ổn định, các điểm giữ xe trong chùa và xung quanh chùa để các thùng tiền đóng góp tùy tâm, hoặc lấy giá 5.000 đồng/xe máy.
THÚY BÌNH - TUỆ MẪN