Cuộc đua tìm suất vào giảng đường đại học của thí sinh trên cả nước sắp bước vào hồi kết. Đi cùng niềm vui, sự khấp khởi mong chờ của không ít gia đình có con em đạt điểm số cao trong kỳ thi đại học là nỗi buồn của những thống kê tỷ lệ phần trăm thí sinh có tổng điểm ba môn dưới 9, trăm ngàn bài thi chỉ đạt từ 0,25 - 0,5 điểm, lối trình bày ngô nghê, vô số “lỗ thủng” kiến thức khó lòng chấp nhận được của những cô tú, cậu tú trước đó không lâu từng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã và đang đau đầu giải bài toán làm thế nào hạ thấp tỷ lệ bài thi bị điểm 0 môn Sử. Vấn đề cũ hãy còn thì năm nay chúng ta lại đương đầu với một thực tế mới: không riêng gì môn Lịch sử mà ngay cả Ngoại ngữ, Ngữ văn, Toán học, điểm liệt cũng không ít.
Tạm bỏ qua hết yếu tố may rủi trong một kỳ thi, những trường hợp thí sinh bỏ giấy trắng hoặc bị đình chỉ vì gian lận thi cử, không ít bài làm của các tân cử nhân sau kỳ thi tốt nghiệp “bày chữ” hơn 3 trang giấy nhưng điểm số không vượt qua nổi 0,25. Thế mới thấy độ chênh về kiến thức của hai kỳ thi mang tính chất tầm cỡ quốc gia cùng được đánh giá là “an toàn, nghiêm túc”, tổ chức cách nhau chưa đầy một tháng.
Giáo viên dạy Toán một trường THPT chuyên trên địa bàn quận 5 chia sẻ, thật không hiểu bằng cách nào những thí sinh từng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT cách đó chưa lâu với điểm số cao chót vót lại không kiếm nổi điểm nào trong bài thi đại học.
Đơn cử như ở môn Toán, bên cạnh các câu hỏi khó, mang tính chất đánh đố, phân loại thí sinh vẫn còn ít nhất 3 câu đề ra ở mức trung bình, thuộc dạng đề năm nào cũng có, thí sinh chỉ cần nắm chắc một số công thức, cách tính cơ bản trong chương trình đã có thể dễ dàng làm được.
Không lẽ đối với chủ nhân của những điểm số 5, 6 (mức thấp nhất để được công nhận đỗ tốt nghiệp THPT) trong kỳ thi tốt nghiệp lại không kiếm nổi 1 - 2 điểm ở kỳ thi đại học? Tỷ lệ hơn 97% học sinh cả nước đỗ tốt nghiệp THPT liệu có còn ý nghĩa trước hàng ngàn bài thi kiến thức “không biết gì” ở đại học? Như vậy, đâu mới là kết quả phản ảnh đúng thực chất dạy và học ở 3 năm trung học?
Riêng đối với một số môn đòi hỏi thí sinh phải có quá trình tích lũy kiến thức nền từ các bậc học dưới như Ngoại ngữ, Lịch sử, “trừ phi các em cố tình bỏ giấy trắng hoặc vi phạm quy chế, chỉ cần lượm lặt đâu đó vài kiến thức cơ bản trong suốt năm lớp 12, thí sinh đã có thể dễ dàng kiếm được vài ý 0,25 điểm. Nhiều khi đạt điểm 0 còn khó hơn… 0,75 điểm”, giáo viên Ngoại ngữ một trường THPT dân lập trên địa bàn TPHCM chua chát bày tỏ.
Vậy mà vẫn có không ít bài làm đạt điểm 0 tròn trĩnh, thí sinh không trả lời đúng một câu trắc nghiệm nào dù chỉ cần “đánh lụi”, xác suất có điểm đã lên đến 25%. Đối với môn Sử, lẽ nào sau hơn hai tháng dùi mài kinh sử, đã vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT với không ít sự kiện, con số, bộ nhớ của các em lại bị xóa sạch, không còn lại nổi một cột mốc, diễn biến lịch sử nào của dân tộc?
Song, đáng tiếc những bất hợp lý đó đã và đang diễn ra trong suốt nhiều năm qua nhưng chưa được các cơ quan quản lý quan tâm đúng mức.
Còn nhớ ngay sau kỳ thi đại học, nhận định về mức độ “an toàn, nghiêm túc” của kỳ thi, lãnh đạo ngành giáo dục đã vui mừng dự báo về một kết quả khả quan về điểm số của thí sinh, nhất là ở các môn xã hội. Sau đó không lâu, không ít nơi còn lạc quan thông báo, tỷ lệ bài làm bị điểm liệt của thí sinh dự thi vào các ngành xã hội thấp hơn năm ngoái.
Song, liệu có thể yên lòng trước những bất ổn “đến hẹn lại lên” của một kỳ thi hao tổn nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của xã hội? Bài toán chất lượng dạy và học của học sinh ở bậc trung học hẳn còn lâu mới tìm ra lời giải để san bằng độ chênh.
THU TÂM