Từ ngày 1-1-2013, quy định về việc dán nhãn năng lượng đối với các nhóm phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng chính thức có hiệu lực. Những doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng, khi lưu hành trên thị trường bắt buộc phải thực hiện dán nhãn trên. Thế nhưng quy định trên có khả năng chết yểu vì vướng khâu cấp phép dán nhãn.
Cũng theo lộ trình quy định, bắt đầu từ ngày 1-1-2013, nhóm thiết bị gia dụng và công nghiệp như đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử dùng cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, máy biến áp phân phối và động cơ điện bắt buộc phải dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Có hai loại nhãn năng lượng sẽ được áp dụng là nhãn xác nhận (hay còn gọi là ngôi sao năng lượng Việt) và nhãn so sánh. Nhãn xác nhận sẽ được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công thương quy định theo từng thời kỳ. Còn nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường, nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết những thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị đó so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường. Hình ảnh nhãn năng lượng này thể hiện 5 cấp hiệu suất năng lượng khác nhau (được thể hiện từ 1 sao đến 5 sao) và tùy theo mức hiệu suất năng lượng của từng loại phương tiện, thiết bị sẽ được dán một nhãn năng lượng tương ứng.
Sau thời gian trên, nếu các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng không thực hiện việc dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị do đơn vị mình sản xuất, nhập khẩu sẽ có biện pháp chế tài. Mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng. Đồng thời sẽ bị cấm loại phương tiện, thiết bị đó lưu thông trên thị trường.
Quy định này thật sự rất đúng với yêu cầu thực tế, nhất là thời điểm tranh tối tranh sáng như hiện nay. Khi mà các doanh nghiệp đua nhau tự công nhận sản phẩm của mình là tiết kiệm năng lượng. Còn người mua thì như bị tung hỏa mù vì không biết đâu là hàng tiết kiệm năng lượng thật, còn đâu là ảo. Thế nhưng, quy định này đang vướng phải bất cập do việc quy định cấp phép dán nhãn quá bất hợp lý.
Cụ thể, theo quy định chỉ có Bộ Công thương mới được phép cấp dán nhãn. Còn Sở Công thương các tỉnh thành chỉ có chức năng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ để được trình cấp phép. Như vậy vô hình trung tạo nên nút thắt cổ chai ngay tại Bộ Công thương. Bởi bản thân Bộ Công thương cũng có chưa tới 10 cán bộ phụ trách vấn đề này trong khi cả nước có hàng trăm ngàn doanh nghiệp và cả triệu sản phẩm thiết bị sử dụng điện cần được thẩm định và cấp phép dán nhãn. Thời gian triển khai quy định này cũng chỉ hơn một năm. Thử hỏi các doanh nghiệp làm sao làm kịp và bản thân Bộ Công thương làm sao cấp phép kịp?
Mặt khác, một câu hỏi được đặt ra là tại sao không phân cấp cấp phép cho 63 Sở Công thương của các tỉnh thành? Doanh nghiệp chỉ cần đem sản phẩm đến các trung tâm phân tích do cơ quan chức năng chỉ định để thẩm định chất lượng sản phẩm rồi chuyển kết quả cộng với hồ sơ đến Sở Công thương tại tỉnh thành mình đang hoạt động để được cấp phép. Như vậy vừa tăng giải quyết được tình trạng thắt nút cổ chai tại bộ, vừa tiết giảm đáng kể chi phí và thời gian đi lại cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, dù thời điểm xử phạt thiết bị điện chưa dán nhãn năng lượng đã cận kề nhưng chỉ có rất ít doanh nghiệp đã dán nhãn năng lượng. Vậy nếu quy định về phân cấp dán nhãn không được sửa đổi, đây chẳng lẽ không phải một cách gây khó cho doanh nghiệp?!
Minh Xuân