Chỉ chấm điểm học sinh tiểu học ở bài kiểm tra cuối kỳ

Theo dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị công bố để xin ý kiến đóng góp, dự kiến từ năm học 2014 - 2015 sẽ không chấm điểm thường xuyên đối với bậc tiểu học mà thay vào đó là lời nhận xét của giáo viên. Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định kỳ, Bộ GD-ĐT vẫn dự kiến quy định chấm điểm bài kiểm tra định kỳ theo thang điểm 10 (vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học).

(SGGP).- Theo dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị công bố để xin ý kiến đóng góp, dự kiến từ năm học 2014 - 2015 sẽ không chấm điểm thường xuyên đối với bậc tiểu học mà thay vào đó là lời nhận xét của giáo viên. Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá kết quả học tập của học sinh theo định kỳ, Bộ GD-ĐT vẫn dự kiến quy định chấm điểm bài kiểm tra định kỳ theo thang điểm 10 (vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học).

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), sở dĩ có thay đổi lớn này trong đánh giá học sinh tiểu học là nhằm giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học, hướng tới việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy được hết khả năng của mình.

Việc đánh giá sẽ kết hợp đánh giá của giáo viên và phụ huynh, trong đó đánh giá giáo viên là quan trọng nhất. Giáo viên sẽ quan sát các biểu hiện trong hoạt động của học sinh hàng ngày, hàng tuần để nhận xét, nhận định sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng, điều chỉnh hoạt động để tiến bộ, ứng xử kịp thời để tiến bộ. Hàng tháng giáo viên tổng hợp nhận xét của mình, ý kiến trao đổi của phụ huynh (nếu có) để nhận xét, nhận định sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của từng học sinh, đặc biệt lưu ý những điểm hạn chế cần khắc phục của học sinh, ghi rõ nội dung, biểu hiện cụ thể để có giải pháp, giúp đỡ kịp thời học sinh đó.

Với cách làm này, thay vì chấm điểm, giáo viên sẽ nhận xét sự tiến bộ của học sinh. Bộ GD-ĐT hy vọng, việc làm này sẽ giảm áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Vì không còn chấm điểm nên việc xếp loại học sinh tiểu học sẽ được xóa bỏ mà thay vào đó là đạt hoặc chưa đạt. Khi được yêu cầu, giáo viên chủ nhiệm thông báo đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh cho phụ huynh của học sinh đó.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục