(SGGP). - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố báo cáo tổng hợp về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong năm 2014.
Theo đó, về minh bạch tài sản, đến nay đã có 944.425/952.178 người kê khai tài sản, thu nhập (đạt 99,2%); đã công khai 914.245 bản kê khai (đạt tỷ lệ 96,8% so với số bản đã kê khai). Đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 5 người, xử lý kỷ luật 1 người bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực (đó là trường hợp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Hậu Giang trong lãnh đạo điều hành hoạt động của cơ quan; không kê khai tài sản thu nhập năm 2010 và kê khai tài sản không trung thực năm 2008, 2009, 2011 và 2012). Ngoài ra, đã xử lý 6 người do vi phạm thời hạn (chậm tổ chức việc kê khai và chậm kê khai).
TTCP cũng cho biết, năm 2014 đã xử lý 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 1 người đã bị xử lý hình sự; 35 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách; 10 người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật.
Năm 2014, qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 93 vụ, 108 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cụ thể, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện 63 vụ, 77 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng, trong đó các địa phương phát hiện 46 vụ, 74 người; bộ ngành phát hiện 17 vụ, 3 người; kiến nghị thu hồi 13,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 27 vụ, 25 đối tượng. Còn thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 31 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Với kết quả trên, TTCP nhận định, tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng, thực hiện chính sách xã hội... Tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và chưa quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhìn chung còn hình thức. Việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động của ngành thanh tra kết quả còn hạn chế, chưa tương xứng với thực trạng vi phạm.
Theo báo cáo chỉ có 10 địa phương (gồm Bạc Liêu, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi) và 2 bộ, ngành (Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước) phát hiện tham nhũng qua thanh tra.
Năm 2015, TTCP cho biết sẽ nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như đầu tư xây dựng, đất đai, tín dụng, ngân hàng, thu ngân sách (thuế, hải quan), mua sắm công, thực hiện các chính sách xã hội, công tác cán bộ.
Cũng theo TTCP, năm 2014, toàn ngành đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.682,6ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc. |
PHAN THẢO