(SGGP).- Sở Công thương TPHCM cho biết, sau hơn 10 tháng triển khai Quyết định 50/2015/QĐ-UBNDTP về Chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện ưu đãi nhiều hơn về cơ sở hạ tầng và vốn vay cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, đến nay chỉ có 3/50 doanh nghiệp đăng ký tiếp cận được nguồn hỗ trợ với khoảng 300 tỷ đồng; 5 hồ sơ đang trình, những hồ sơ còn lại đang trong thời gian thẩm định.
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND TPHCM cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các ngành trọng điểm như: Quyết định 20/2009/QĐ-UBND ban hành năm 2009, Quyết định 33/2011/QĐ-UBND năm 2011 và bổ sung sửa đổi bằng Quyết định 38/2013/QĐ-UBND và mới nhất là Quyết định 50/2015. Tuy nhiên, rất hiếm doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được các nguồn vốn này do trình tự, thủ tục và điều kiện còn nhiêu khê.
Có nguồn vốn đáp ứng đủ yêu cầu sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững. Ảnh: CAO THĂNG
Khó khăn và cũng là nút thắt lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi là do doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, trong khi điều kiện hồ sơ vay bắt buộc có tài sản. Nguyên nhân, do thời gian trước đó, các doanh nghiệp gần như đã thế chấp hết tài sản để vay vốn sản xuất kinh doanh và tình hình kinh doanh tiếp tục khó khăn nên chưa thể trả hết nợ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị TPHCM cần vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật một cách linh hoạt để xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng như bảo lãnh tài chính cho doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, xây dựng quỹ tài chính mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện, để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, TPHCM còn có Quỹ Khoa học công nghệ, chương trình kích cầu đầu tư, Quỹ Bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nộp hồ qua Sở Công thương, sở sẽ trình UBND TP xem xét, phê duyệt các hỗ trợ ưu đãi các chính sách về vốn cho doanh nghiệp.
Lạc Phong