Chỉ còn 71,6% số doanh nghiệp đã thành lập hoạt động

Bộ KH-ĐT vừa công bố báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2012. Theo báo cáo này, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành hàng được cải thiện đáng kể như thủy sản, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và một số ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản dường như ngày càng gặp khó.

Bộ KH-ĐT vừa công bố báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2012. Theo báo cáo này, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành hàng được cải thiện đáng kể như thủy sản, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và một số ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản dường như ngày càng gặp khó.

Trong 4 tháng đầu năm, hai lĩnh vực này chỉ có (lần lượt) 3.798 doanh nghiệp và 212 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm tương ứng tới 24% và gần 55% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tăng 16% và chiếm gần 4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tương ứng ở lĩnh vực bất động sản là 0,1% và 4,7%.

Tổng thể, theo Bộ KH-ĐT, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 24.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 130.044 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng và hơn 14% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm. Tính chung cả nước có khoảng 17.750 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đáng kể nhất, trong số này TPHCM có tới 5.820 đơn vị, Hà Nội có 3.540 đơn vị, Hải Phòng có 586 đơn vị, Đà Nẵng có 546 đơn vị. Tính đến đầu tháng 5-2012, trong tổng số 647.630 doanh nghiệp đã được thành lập chỉ còn 71,6% còn hoạt động.

Đề ra những giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT chính thức kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, có sức lan tỏa lớn; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực cắt giảm chi phí, thậm chí cắt giảm một phần lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay. Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Tài chính ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục