Chỉ dựa vào luật là không đủ

Vào cuối tháng 5-2016, tại Kiên Giang xảy ra một câu chuyện khá buồn là sáu anh chị em lành lặn đưa đơn kiện cậu em út tật nguyền ra tòa, đòi chia phần đất mà người mẹ đã để lại cho người con tật nguyền ấy. Câu chuyện là một minh chứng cho thấy rằng xã hội không thể vận hành một cách an toàn và ổn định nếu chỉ dựa duy nhất vào luật pháp mà bỏ qua những giá trị và những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Xét một cách chung nhất, luật pháp thường chỉ quy định những điều “tối thiểu” mà con người phải tuân theo trong đời sống xã hội; trong khi đó, các chuẩn mực đạo đức xã hội lại đưa ra những yêu cầu “tối đa” cho các ứng xử, thái độ của con người. Thế nên, không phải lúc nào luật pháp cũng có sự đồng thuận với các chuẩn mực hay giá trị của xã hội. Tất nhiên, phần lớn những quy phạm pháp luật đều phản ánh những giá trị, chuẩn mực phổ quát của xã hội như không được giết người, không được trộm cắp, không được cướp của hay hiếp dâm… nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Chẳng hạn việc những anh chị lành lặn kiện người em út tật nguyền ra tòa, việc những người con kiện tụng cha mẹ ra tòa để được chia thừa kế hay các loại tài sản khác… Đó có thể là những hành vi đúng luật pháp, vì họ dựa vào luật pháp để giải quyết tranh chấp chứ không dựa vào bạo lực hay những cách thức phi pháp khác. Tuy nhiên xét về mặt chuẩn mực, giá trị xã hội, rõ ràng ứng xử của những hành động như vậy là lệch lạc về chuẩn mực đạo đức.

Nhà nghiên cứu người Mỹ là Matthew O. Jackson cho rằng nếu luật pháp mà bỏ quên hay không phản chiếu các chuẩn mực xã hội thì sẽ gây ra những tác dụng ngược và có thể dẫn đến sự rối loạn xã hội. Thế nên, luật pháp chỉ là giải pháp cuối cùng trong việc điều tiết ứng xử của con người trong xã hội và đây thường là một giải pháp “gây đau đớn” cho các bên có liên quan. Để xã hội vận hành hài hòa và ổn định thì xã hội cần đến hiệu lực của hệ thống chuẩn mực và giá trị xã hội. Nếu các thành viên trong xã hội hành xử bất chấp đạo lý, bất chấp các giá trị đạo đức của xã hội thì một mình luật pháp cũng sẽ không thể khắc phục được những hệ quả không mong muốn từ những ứng xử đó. Bởi như đã nói, luật chỉ quy định những điều tối thiểu trong ứng xử của con người mà thôi.

Vì vậy, câu nói “sống và làm việc theo pháp luật” hay “công dân được làm mọi thứ mà luật không cấm” là đúng nhưng không đầy đủ, bởi trước hết, xã hội cần đến sự điều tiết của hệ thống giá trị và chuẩn mực xã hội. Nên khi hệ thống chuẩn mực, giá trị xã hội mất đi tác dụng “điều tiết xã hội của mình” thì thường xã hội sẽ chứng kiến rất nhiều hành vi phi chuẩn mực cho dù xét về luật là bình thường. Do đó, cần phải khôi phục lại những chuẩn mực, giá trị cao đẹp của xã hội và hướng con người tuân theo các giá trị và chuẩn mực ấy, là điều tối cần thiết chứ không chỉ luật pháp.

Lê Minh Tiến
(Giảng viên Xã hội học)

Tin cùng chuyên mục