Chi hơn 27 tỷ đồng xóa ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng

UBND TP Đà Nẵng dự chi hơn 27 tỷ đồng để xóa điểm nóng ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang đến năm 2025.

Các đơn vị liên quan tổ chức phong trào ngày chủ nhật xanh sạch đẹp ít nhất 2 tuần/ lần
Các đơn vị liên quan tổ chức phong trào ngày chủ nhật xanh sạch đẹp ít nhất 2 tuần/ lần

Ngày 6-7, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký quyết định về ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025 nhằm kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm, đề xuất các giải pháp cụ thể, xử lý đồng bộ... hướng đến xóa bỏ điểm nóng ô nhiễm môi trường vào năm 2025.

Theo kế hoạch này, đến năm 2022, tập trung cải thiện chất lượng môi trường nước tại âu thuyền, chấm dứt tình trạng nước thải đô thị đổ vào âu thuyền và không cho phép nước thải từ khu vực ven bờ cũng như tại cầu cảng chảy trực tiếp xuống âu thuyền; hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt tại khu vực cầu cảng và khu chợ đầu mối; xây dựng, cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước thải tại khu dịch vụ và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đúng quy định.

 Vấn đề vệ sinh môi trường ở âu thuyền, cảng cá gặp phức tạp, khó khăn nhất hiện nay là việc người dân thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống âu thuyền
Theo chỉ tiêu, 50% tàu cá cập cảng phải chuyển giao nước thải từ tàu cá cho đơn vị quản lý dịch vụ cảng; 80% tàu cập cảng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt; 100% tàu neo đậu (không kể thời điểm có tránh trú do thiên tai) chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cho đơn vị quản lý cảng cá; 100% đối tượng chịu phí, chi phí về bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, hoàn tất công tác nạo vét bùn trong âu thuyền trước năm 2022 để giảm phát sinh mùi hôi; tăng tần suất khử mùi hôi trong ngày; nạo vét, khơi thông định kỳ các cầu cảng, hệ thống thu gom nước thải...

Công suất âu thuyền chỉ cho phép hơn 400 tàu nhưng có những thời điểm, nơi đây tiếp nhận hơn 1000 chiếc vào neo đậu
Đến năm 2025, duy trì các chỉ tiêu đạt được và tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt trong giai đoạn 2020-2022; 100% nguồn nước thải xả vào âu thuyền đã qua xử lý đảm bảo yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 100% tàu cá cập cảng phải chuyển giao nước thải từ tàu cá, chất thải sinh hoạt và thực hiện vệ sinh trước khi vào neo đậu trong âu thuyền.

UBND TP Đà Nẵng thống nhất bố trí khoản ngân sách thực hiện kế hoạch này trong giai đoạn từ năm 2020-2025 là 27,92 tỷ đồng, chưa tính các nguồn vốn đã bố trí cho các dự án đang và sẽ triển khai liên quan tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Trong đó, sự nghiệp môi trường với 4,08 tỷ đồng; xây dựng cơ bản với 6,040 tỷ đồng; khoa học công nghệ 0,5 tỷ đồng; đặt hàng vệ sinh môi trường và thoát nước 17,3 tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục