Chỉ huy và phối hợp

Mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xứng tầm với tiềm năng và sự đóng góp đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính được xác định vẫn là thiếu sự chỉ huy thống nhất. Nói một cách hình ảnh là có dàn nhạc nhưng lại thiếu… nhạc trưởng! Lẽ dĩ nhiên, dàn nhạc dù “hoành tráng” đến đâu, nếu thiếu nhạc trưởng thì không thể trở thành dàn nhạc đúng nghĩa. Do đó, chuyện lạc nhịp, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thường xuyên xảy ra cũng là điều dễ hiểu.

Trong nhiều năm qua, một số dự án do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong vùng đã không thể phát huy tác dụng như mục tiêu đề ra. Có trường hợp, các doanh nghiệp của tỉnh B tha hồ xả chất thải chưa qua xử lý xuống kênh, sông và hậu quả là tỉnh C, thành phố A… lãnh đủ. Đặc biệt, do sự phối hợp chưa thật chặt chẽ và thiếu sự chỉ huy nhất quán, hệ thống sông Đồng Nai - nơi đang cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 20 triệu người ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TPHCM đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại nhiều nước trên thế giới, việc phân định và quản lý theo vùng kinh tế, vùng đô thị đã diễn ra hàng chục năm trước. Theo các chuyên gia, việc quản lý theo mô hình này có tác dụng tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị hành chính, tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường...

Cũng có ý kiến cho rằng, đó là chuyện ở xứ người. Còn đối với những nơi còn tính cục bộ địa phương cao, việc cùng nhau phối hợp, các bên chịu lắng nghe nhau, đấu tranh vì quyền lợi chung… là điều không phải dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều. Ý kiến đó không phải không có lý. Nhưng trên thực tế, ở nước ta, trong những năm qua, một số ban chỉ đạo cấp vùng cũng đã được thành lập và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy, nếu có quyết tâm và cơ chế phù hợp thì những thành công ở xứ người như vậy cũng có thể xuất hiện ở xứ ta.

Rõ ràng, việc thành lập một ban chỉ đạo, hoặc một tổ chức tương đương tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với sự chỉ huy của một lãnh đạo cấp Chính phủ là điều có thể thực hiện được và nên triển khai sớm. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của người dân và đáp ứng yêu cầu gắn kết, phối hợp và phát triển ngày càng cao giữa 8 tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hãy còn khá sớm nếu khẳng định cơ chế hoạt động này sẽ ngay lập tức mang lại hiệu quả. Nhưng theo nhiều chuyên gia có uy tín, việc có một chỉ huy cấp Chính phủ trực tiếp quản lý, điều hành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề gần như bế tắc suốt bao nhiêu năm qua.

Trên thực tế, cơ chế luân phiên điều phối và phối hợp giải quyết các sự việc có liên quan như lâu nay vẫn thực hiện cũng có không ít mặt tích cực. Trong đó, nổi bật là sự hỗ trợ, chia sẻ, cảm thông giữa lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng. Tuy nhiên, do thiếu sự chỉ huy nhất quán và chưa có các quyết sách lớn nên trong nhiều năm qua chưa tạo được những chuyển động mạnh mẽ trong toàn khu vực. Do đó, hầu hết các tỉnh thành trong vùng đều tự vận hành; sự phối hợp - trong không ít trường hợp chỉ mang tính hình thức, hiệu quả hạn chế.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với “đầu tàu” là TPHCM hội đủ các điều kiện để có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Mặc dù trong những năm qua, nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với cơ chế quản lý phù hợp, trong đó bên cạnh sự phối hợp không thể thiếu sự chỉ huy nhất quán ở tầm vĩ mô, hy vọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có những bước phát triển đột phá trong tương lai.

TÔ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục