Sáng 17-4, dự án Luật Quảng cáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến. Cũng trong phiên họp sáng, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Chiều cùng ngày, UBTVQH góp ý về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Cấm quảng cáo nội dung bất bình đẳng giới
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, qua cân nhắc ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, UB tán thành giao Bộ VH-TT-DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Các bộ và UBND các cấp phối hợp với Bộ VH-TT-DL theo chức năng của mình như quy định trong dự thảo luật.
Về các sản phẩm cấm quảng cáo, ông Đào Trọng Thi nhận định: “Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, việc quảng cáo rượu vang và rượu mạnh phải tuân thủ các quy định của Nhà nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Để đảm bảo nguyên tắc này, không làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam và để người tiêu dùng có ý thức cao hơn về tác hại khi lạm dụng rượu, dự thảo luật đã quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên”
Dự thảo luật cũng đã được chỉnh sửa về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cụ thể bổ sung thêm một số nguyên tắc xây dựng quy hoạch; công khai quy hoạch đã phê duyệt. Dự thảo lần này cũng bổ sung quy định thời gian cụ thể các tỉnh phải hoàn thành quy hoạch quảng cáo là 12 tháng sau khi luật này có hiệu lực; phải niêm yết văn bản quy hoạch tại trụ sở UBND các cấp và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung vào dự luật điều khoản cấm những quảng cáo có nội dung bất bình đẳng giới. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã tiếp thu ý kiến này.
Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận xét, hiện có nhiều quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh quá thổi phồng sự thật. “Tôi biết một số bác sĩ chuyên mổ “thương binh” thành “liệt sĩ” mà cũng mở cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, quảng cáo rùm beng” - Thứ trưởng nhận xét một cách hài hước.
Ông Nguyễn Viết Tiến đề nghị, các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở dịch vụ thẩm mỹ) phải có giấy phép mới được quảng cáo, nội dung quảng cáo phải do cơ quan quản lý chuyên môn thẩm định. Các sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu cơ quan soạn thảo – thẩm tra xem xét bổ sung điều khoản hạn chế quảng cáo một số loại sản phẩm đặc biệt trong ngành y tế, thực phẩm; nghiên cứu, giải trình về thời lượng tối đa được quảng cáo trên các kênh truyền hình, đặc biệt là truyền hình trả tiền; chú trọng việc quy định về tổ chức và quy chế hoạt động của hội đồng liên ngành thẩm định các sản phẩm/dịch vụ quảng cáo.
Loạn giá, phí?
Điều tiết giá điện như thế nào để hài hòa nhiều mục đích là vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm hơn cả khi bàn về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Dự án này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp sắp tới.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày tại phiên họp nêu đề xuất bổ sung quy định về một số loại phí, như phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, phí điều tiết hoạt động điện lực. Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Quy định quá nhiều loại giá, phí, tầng tầng, lớp lớp thế này, nếu cộng dồn thì giá điện sẽ như thế nào”? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị làm rõ thêm vấn đề giá và phí vì “đây là một trong những tiêu điểm quan tâm của cử tri”. Ủng hộ quan điểm nhà nước nắm giữ quyền định giá điện để không tạo ra độc quyền giá đối với mặt hàng thiết yếu liên quan tới sản xuất và đời sống này, song ông Phùng Quốc Hiển cho rằng mức giá phải tính đúng, tính đủ, đảm bảo lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Đúng là đọc qua dự thảo thì có cảm giác rất nhiều loại phí”. Tuy nhiên, có nhiều loại phí như thế là vì đang trong quá trình tái cơ cấu ngành điện, từ phát điện, truyền tải điện đến phân phối. Hiện nay, có khâu nhà nước làm, có khâu được xã hội hóa. Chính vì nhiều khâu nên trong tính toán có nhiều loại phí cho từng khâu. Giá điện đã tính từng phần cho các khâu hình thành giá đó. Chẳng hạn, giá điện 1.300 đồng/kWh, phần lớn cho phát điện, 8% cho chi phí truyền tải điện, còn lại là cho phân phối điện. Bộ trưởng tiếp thu ý kiến phải rà soát kỹ, tránh quy định quá nhiều loại phí, loại giá, chồng chéo giữa khâu này với khâu khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý cụ thể: “Luật nên quy định nhà nước xác định giá bán bình quân chứ không nên định giá bán lẻ”. Về quy hoạch phát triển ngành điện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dù lập quy hoạch cho 5 năm hay 10 năm, nhưng chủ trương nào cũng phải đi kèm chính sách đó, đồng thời có kế hoạch cho từng năm cụ thể mới khả thi và thuận tiện cho công tác điều hành. Đặc biệt, ông yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo dự án Luật Giá để quy định về giá điện cho thống nhất.
Anh Thư