Chi phí “bôi trơn” tăng, lòng tin nhà đầu tư giảm

Ngày 22-4, Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân bước sang ngày làm việc thứ hai, tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân

Ngày 22-4, Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân bước sang ngày làm việc thứ hai, tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cơ quan nhà nước nên bớt làm thông tư

Đây là một luận điểm quan trọng được thể hiện và chứng minh trong bản báo cáo đề dẫn công phu, dài tới 65 trang của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. TS Nguyễn Đình Cung cho biết: “Đã từ rất lâu, cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều cho rằng các chính sách, luật pháp ở Việt Nam thiếu ổn định, thường hay thay đổi bất lợi cho doanh nghiệp; thiếu minh bạch và không tiên liệu trước được. Nhà nước nên bớt làm thông tư đi, việc gì rõ thì đưa vào luật. Hành động ư? Kiên quyết bỏ bớt các thông tư đi, cái gì cực kỳ cần thiết hãy làm. Làm thông tư là để tạo thuận lợi, chứ không phải làm khó doanh nghiệp như hiện nay”. Thực hiện phương châm “biến lời nói thành hành động” là cách thiết thực nhất, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị: Từ 1-7-2015, các thông tư về điều kiện kinh doanh sẽ đương nhiên hết hiệu lực, theo quy định của Luật Đầu tư. Chúng ta hãy kiên quyết bỏ, đừng níu giữ vô số quy định phức tạp và bất hợp lý trong “rừng” thông tư đó. Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu rằng, vậy thì trách nhiệm “dọn rừng văn bản” là của ai, TS Nguyễn Đình Cung đáp dứt khoát: “Không phải cục trưởng hay thứ trưởng, mà chính là các vị bộ trưởng”.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch nói thêm, để người dân thực sự được kinh doanh những gì mà luật không cấm còn là một quá trình rất dài và mệt mỏi. “Anh Cung khá lạc quan với tác dụng của luật mới, nhưng xin nói thật, tôi đang còn nghi ngờ. Việc luật có đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc vào cải cách toàn diện nền hành chính công, bao gồm cả thể chế hành chính, bộ máy, con người. Con người như hiện nay thì có nói cải cách muôn năm vẫn thế”, TS Trần Du Lịch nói. TS Trần Du Lịch nhắc lại hình ảnh 3 bộ phận cấu thành thể chế giống như chiếc xe máy có nhông, có xích và líp, “mới cả thì chạy nhanh, cũ mà đồng bộ cũng còn chạy chậm được, nhưng không đồng bộ thì không chạy được”.

Theo điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 11% số doanh nghiệp tiên liệu được thay đổi trong chính sách do các bộ, cơ quan trung ương ban hành; và chỉ có khoảng 7% số doanh nghiệp tiên liệu được thay đổi trong chính sách do chính quyền địa phương ban hành. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cho rằng, các cấp chính quyền địa phương thường ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước; cơ quan nhà nước các cấp thường ưu tiên, dành nhiều “quyền, lợi” cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hơn doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng họ phải cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với một số cán bộ, công chức nhà nước các cấp, với đại diện chủ sở hữu và người quản lý các DNNN.

Chống tham nhũng, củng cố niềm tin

Tình trạng tham nhũng cao là một thực tế được các nhà đầu tư phản ánh - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/175 nước trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xếp thứ 126 trong Chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới và đứng thứ 74 trong xếp hạng đánh giá rủi ro quốc gia. Cuộc điều tra tiến hành với các doanh nghiệp FDI đã cho kết quả: khoảng 17% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền “bôi trơn” để có được giấy phép đầu tư và 31% trả hối lộ khi cạnh tranh giành các hợp đồng của chính phủ. Hành vi “bôi trơn” trong quá trình xin cấp phép không quá khác với tình trạng các năm trước; song hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng thì lại tăng cao đáng ngạc nhiên - gấp ba lần số điểm ghi nhận trong năm ngoái!

Theo các doanh nghiệp FDI được hỏi, trên 66% doanh nghiệp đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục tại cảng, cao kỷ lục qua tất cả các kỳ điều tra PCI-FDI. Có 22% doanh nghiệp lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay trong điều tra PCI-FDI. Cũng theo đó, các chi phí hối lộ cũng tăng lên kể từ năm 2013. Năm 2013, khoảng 32% doanh nghiệp cho biết tổng số tiền chi trả “bôi trơn” của họ lên tới hơn 1% thu nhập mỗi năm, năm 2014 con số này là 38%. Quy mô hối lộ trung bình ở Việt Nam được điều tra PCI-FDI ghi nhận là cao nhất kể từ năm 2011.

“Điều trớ trêu là - theo doanh nghiệp, các khoản hối lộ đang trở nên “tin cậy” hơn, tức là thực sự giúp họ giải quyết được công việc”, ông Đậu Anh Tuấn nói. Tuy nhiên, đây lại chính là điểm trừ quan trọng trong đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh, trong khi những sự kiện “chấn động” như đã xảy ra tại Bình Dương và Hà Tĩnh trong năm qua lại không làm tổn hại quá nhiều đến lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh - theo điều tra của VCCI.

Hiến kế đấu tranh phòng chống tham nhũng, các ý kiến tại diễn đàn đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó đều nhấn mạnh đây là nhiệm vụ phải được thực hiện từ cả hai phía: chính quyền và doanh nghiệp. Thực hiện hình sự hóa hành vi tham nhũng - hối lộ ở khu vực tư nhân (điều này sẽ giúp ngăn chặn các doanh nghiệp tham gia vào các hành vi phi pháp); đồng thời tiếp tục rà soát các tương tác giữa các doanh nghiệp và cán bộ thuế để đảm bảo rằng tác động của hành vi tham nhũng liên quan đến thuế ở cấp độ doanh nghiệp được hạn chế ở mức không đáng kể... nằm trong số những khuyến nghị đáng lưu ý.

Cuối ngày 22-4, diễn đàn chính thức bế mạc, khép lại 2 ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả.

Không đơn thuần là bỏ bớt DNNN

Nhìn nhận một cách công bằng, DNNN là một tác nhân hay chủ thể thị trường; là tổ chức kinh doanh, phải được đối xử bình đẳng như các tác nhân khác của thị trường, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị thành lập cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ chuyên trách và trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, chuyên trách thực hiện vai trò nhà đầu tư, cổ đông hay thành viên trong các công ty có sở hữu nhà nước phù hợp với cơ cấu sở hữu của công ty tương tự như các cổ đông, thành viên khác. Các cơ quan khác của nhà nước không được trực tiếp tham gia vào việc ra quyết định và quản lý điều hành tại DNNN; phải tôn trọng quyền tự chủ và chuyên nghiệp của Hội đồng quản trị; không được can thiệp dưới bất cứ hình thức nào vào hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. “Quốc hội, với tư cách là cơ quan nhà nước cao nhất trực tiếp đại diện cho lợi ích của nhân dân, phải là cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động và phát triển của DNNN nói chung”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

Trong vai trò này, Quốc hội phải ban hành chính sách sở hữu riêng dưới hình thức nghị quyết. Nội dung cơ bản của chính sách sở hữu của Quốc hội ít nhất gồm: xác định vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế, mục tiêu tổng quát và cụ thể hàng năm và trung hạn (3 - 5 năm) của DNNN nói chung trong nền kinh tế, phạm vi ngành, nghề kinh doanh của DNNN, các loại quyết định lớn cần có sự chấp thuận của Quốc hội... Chính sách sở hữu do Quốc hội ban hành là căn cứ hay cơ sở pháp lý để ủy quyền cho Chính phủ thống nhất quản lý, thống nhất thực hiện quyền chủ sở hữu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân đối với hiệu quả của tất cả số vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp.

ANH THƯ
 

Tin cùng chuyên mục