Chi phí logistics cao, tính cạnh tranh thấp

Diễn đàn “Phát triển thị trường quốc tế cho ngành rau củ quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn”, một trong những hoạt động thành phần của Hội nghị xúc tiến đầu tư Đồng Tháp năm 2017 đã diễn ra chiều 18-12 tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. 
Sản xuất dứa xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long
Sản xuất dứa xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đến dự và trao đổi với đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư tại diễn đàn này. Diễn đàn nhằm quảng bá tiềm năng ngành rau củ quả Việt Nam, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư vào chuỗi giá trị ngành rau củ quả đến đối tác thương mại, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội nhận diện về xu hướng phát triển ngành rau củ quả và nhu cầu thị trường toàn cầu, cơ hội và những bước đi của Việt Nam để hội nhập. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, diễn đàn là dịp nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL nói chung, Đồng Tháp nói riêng; cùng với đó là hình thành hệ thống logistics nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản địa phương. Khẳng định Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, hiện nay giá trị xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam khả năng sẽ đạt trên 36 tỷ USD.

 Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017, ngành rau củ quả Việt Nam đã xuất khẩu vượt lúa gạo và dầu khí; đây là sự cố gắng lớn của người nông dân Việt Nam, của Bộ NN-PTNT và của vùng ĐBSCL. 

Đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tổ chức diễn đàn để bàn những biện pháp tổ chức tốt hơn việc sản xuất và tiêu thụ rau củ quả của Việt Nam, Thủ tướng cũng nêu rõ những bất cập, tồn tại của ngành nông nghiệp và ngành giao thông vận tải, nhất là tại các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. 

Theo Thủ tướng, mặc dù tiềm năng của thị trường rau củ quả còn lớn, nhưng trong khi Việt Nam đứng ở tốp 50 quy mô nền kinh tế (tính theo giá trị GDP) thì giá trị rau củ quả chỉ chiếm 1% của thế giới. Cùng với đó là năng suất còn thấp; chất lượng, hiệu quả còn nhiều vấn đề đặt ra trong một số vùng, địa phương. Bên cạnh đó, sản xuất còn chưa ổn định, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Công nghệ sinh học, nhất là khâu giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau thu hoạch còn cao, chiếm trên 30%. 

Thủ tướng cũng nêu một thực tế, trong hơn 3 tỷ USD rau củ quả xuất khẩu thì giá trị chế biến mới chiếm trên 8%. Trong khi đó, chính sách thúc đẩy ngành rau củ quả phát triển vẫn chưa rõ nét. 

Thực tế nữa là Việt Nam còn có những bất cập về hạ tầng, logistics khiến tính cạnh tranh còn thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam thuộc nhóm đắt đỏ so với thế giới. Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18% - 20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu. Điều đó làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm rau củ quả. Chỉ số năng lực logistics giảm gần 16 bậc, từ bậc 48 năm 2014 xuống bậc 64 năm 2016. Đây là bài toán mà Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tháo gỡ. 

“Chìa khóa của sự thành công đó chính là giá thành và sản phẩm”, Thủ tướng chỉ rõ và đề nghị phải làm tốt công tác quy hoạch gắn với thị trường. Trong đó phải hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu của thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cùng với đó là quy hoạch hạ tầng để giảm các chi phí vận chuyển, bao gồm cả việc phát triển các dịch vụ logistics. Thủ tướng nêu quan điểm: Không phải tập trung hết vào sản xuất lúa, dù an ninh lương thực là quan trọng. Bên cạnh đó là phải tính lại sản xuất, trong đó có rau củ quả, thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Thủ tướng cũng lưu ý phải đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm mới có thể xuất khẩu vào được các thị trường khó tính. Về mô hình sản xuất rau củ quả, Thủ tướng nhắc lại mô hình đã đề cập tại Diễn đàn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức mới đây, đó là mô hình có các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn, “năng lực chế biến là hướng rất quan trọng”. Ngoài ra là vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, vận động nông dân và hộ gia đình với mô hình VAC cùng tham gia. 

Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và các đối tác đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, logistics, cơ sở hạ tầng tại Đồng Tháp.

Chiều cùng ngày, tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự diễn đàn quan trọng này và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp sẽ được tổ chức vào sáng 19-12 

Đầu tư đồng bộ logistics vùng ĐBSCL 


Ngày 18-12, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị “Phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải vùng ĐBSCL”. 

Theo Bộ GTVT, vùng ĐBSCL có điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông với các vùng miền cả nước, các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Những năm qua, Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông ở ĐBSCL, nhiều công trình giao thông trọng yếu được hoàn thành, như: cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Mỹ Lợi, cầu Năm Căn, cầu Cổ Chiên, cầu Đầm Cùng… giúp cho giao thông thông suốt, đi lại thuận lợi, nhanh chóng. Song song đó, việc hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và quốc tế. Ước tính kinh phí Trung ương đầu tư các công trình giao thông đã hoàn thành ở ĐBSCL giai đoạn 2010- 2015 khoảng 58.415 tỷ đồng. Nhờ cải thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa giai đoạn 2010- 2016 đạt khoảng 4.657 triệu lượt khách và 468 triệu tấn hàng hóa. 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, vùng ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải là “đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không” đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng. Tuy nhiên, hệ thống logistics vẫn còn kém phát triển; vấn đề liên kết vùng cũng chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế… 

Theo nghiên cứu, chi phí logistics ở Việt Nam là 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm 56%. Như vậy, việc đầu tư phát triển giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL và cả nước.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistisc Việt Nam, đánh giá: “Gần 80% hàng hóa  của vùng ĐBSCL vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng ở Đông Nam bộ, làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên từ 5-10 USD/tấn…”. Các doanh nghiệp vận tải đề xuất nghiên cứu hình thành tuyến vận chuyển container trên sông Vàm Cỏ Đông, cải tạo các luồng sông để tàu lớn đi lại dễ dàng…  

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: “Hệ thống giao thông ở ĐBSCL có cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, sự kết hợp chưa chặt chẽ làm phát sinh chi phí vận tải hàng hóa.  Trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ đề xuất các cơ chế nhằm phát triển nhanh hạ tầng. Đồng thời, xem xét từng trục đường, cảng… nơi nào cần gấp sẽ đầu tư sớm.  Ngoài ra, cần phát huy vận tải đa phương thức, kết hợp đường thủy, đường bộ, kho bãi… để tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống logistics ở ĐBSCL nhằm giảm giá thành, giúp hàng hóa cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu hình thành những trung tâm logistics phụ để thu gom hàng hóa sau đó vận chuyển về trung tâm logistics chính, từ đây xuất khẩu đi quốc tế…”.

Tin cùng chuyên mục