Tháng 9-2014, thị trường xuất khẩu trái cây “khó tính” Mỹ chính thức mở cửa, cho phép nhập khẩu trái vải và nhãn từ Việt Nam. Do trái nhãn các tỉnh phía Nam hầu như quanh năm, nên ngay từ tháng 9 đã tiến hành làm mã số vùng trồng và bản đồ liều lượng chiếu xạ, đến tháng 12 xuất khẩu chuyến đầu tiên. Đến nay đã xuất hơn 30 container với trên 60 tấn vải được vận chuyển bằng đường biển và hàng không.
Nhưng với trái vải có khác, mùa vụ diễn ra rất ngắn, khoảng 1,5 tháng, từ đầu tháng 6. Vì vậy, từ tháng 9-2014 chỉ có thể xây dựng mã số vùng trồng, trong đó Bắc Giang với 6 mã số và Hải Dương với 2 mã số. Riêng bản đồ liều lượng, phải chờ khi có vải nguyên liệu mới tiến hành. Do trái vải hơi đặc biệt, nếu chờ đến đầu tháng 6, khi vào mùa vải chính vụ để làm bản đồ liều lượng với 2 tuần sẽ mất hết gần một nửa mùa thu hoạch trái vải, vì vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, đơn vị phụ trách chứng nhận an toàn trái cây xuất khẩu vào thị trường khó tính (Cục Bộ vệ thực vật - Bộ NN-PTNT), từ trung tuần tháng 5, tranh thủ những quả vải thu hoạch sớm, bộ phận chuyên môn đi lấy mẫu làm nguyên liệu cho việc xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ tại Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn (TPHCM) qua 2 bước: Thử nghiệm sơ khởi, khi đạt mới thử nghiệm chính thức.
Việc xuất khẩu trái nhãn từ tháng 12-2014 đến nay giúp các doanh nghiệp (DN) có điều kiện để hoàn chỉnh quy trình xuất khẩu nhãn sang Mỹ. Hơn nữa nhà máy chiếu xạ, nhà đóng gói đều có sẵn ở phía Nam, ngay cả DN cũng tại chỗ và nhiều kinh nghiệm nhờ có thời gian xuất khẩu trước đó trái thanh long, chôm chôm, nhãn… nên có sẵn hiểu biết, khách hàng thị trường khó tính. Trong khi đó, trái vải có vùng nguyên liệu ở phía Bắc, hầu hết DN tại chỗ chưa có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang thị trường này; ngay cả nhà máy chiếu xạ, dù đã có nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu phía Mỹ nên phải vận chuyển vào phía Nam để chiếu xạ. Ngay điều này đã là thách thức với trái vải nên những người trong ngành điều biết, chưa thể kỳ vọng ngay mùa vụ đầu tiên và cũng chỉ khu trú vào 4 DN có thể xuất khẩu trái vải đầu tiên vào Mỹ mùa này. Đó là Công ty Ánh Dương Sao, Công ty Rồng Đỏ, Công ty Chánh Thu và Công ty Nông sản thực phẩm Thủ Đức ra mua nguyên liệu những vùng mã số phía Bắc, vận chuyển container lạnh để chiếu xạ và đóng gói phía Nam. Ngay từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, cả 4 DN này đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau thu hoạch 2 làm cầu nối với sự chủ trì của Bộ NNPTNT tiếp xúc trực tiếp với vùng nguyên liệu có mã số vùng ở Bắc Giang và Hải Dương để trao đổi trực tiếp tình hình. Nhưng xuất khẩu là việc riêng của từng DN nên không không bao giờ DN nói hết hay cho biết chiến lược kinh doanh khi chưa “ra quân”. Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, bao giờ cũng vậy, năm đầu chỉ giới thiệu, thăm dò sản phẩm với nhà nhập khẩu và thị trường là chính. Ngay như trái nhãn, phải sau 4 tháng mới đi vào xuất khẩu thương mại, nên trái vải chỉ kỳ vọng làm quen bạn hàng là chính để tìm hiểu về sự đánh giá và ưa chuộng và so sánh với những sản phẩm cùng loại từ các nước. Cùng thời điểm này có vải của Trung Quốc và Thái Lan, nhưng vải Trung Quốc xử lý kỹ thuật khác (bảo quản lạnh), với vải Thái Lan mùa vụ sớm hơn Viện Nam, năm nay lại kết thúc sớm nên hy vọng không có sự cạnh tranh gay gắt.
ĐĂNG LÃM